Nhiều người dân ở xã Kim Thượng rất hoang mang khi "bỗng nhiên" nhiễm HIV
Ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), cho biết những ngày qua, Bộ Y tế đã đề nghị Sở Y tế Phú Thọ điều động 2 chuyên gia tâm lý xuống địa bàn trấn an tâm lý cho người nhiễm bệnh và người dân địa phương, đồng thời tuyên truyền giải thích, cấp phát thuốc kháng virus (ARV) điều trị, bao cao su cho người dân.
Theo ông Cảnh, với người nhiễm HIV, chỉ sau 3 tháng điều trị, lượng virus trong máu sẽ giảm xuống, giúp họ sinh hoạt bình thường, khả năng lây nhiễm thấp hơn, thậm chí họ vẫn sinh con bình thường.
Lãnh đạo Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết người đầu tiên phát hiện nhiễm HIV ở Việt Nam vào tháng 12-1990 là một phụ nữ 30 tuổi. Đến nay, sau gần 20 năm, người phụ nữ này vẫn sống khỏe mạnh do dùng thuốc ARV đều đặn và sống tích cực, lạc quan.
Liên quan đến nghi vấn nhiều người bị lây nhiễm HIV do dùng chung kim tiêm, PGS-TS Đỗ Duy Cường, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai, cho biết bên cạnh việc quan hệ tình dục không an toàn; lây từ mẹ sang con thì lây truyền HIV qua đường máu - trong đó có dùng chung bơm kim tiêm là con đường lây truyền thường gặp.
Việc dùng chung bơm kim tiêm, nhất là với người tiêm chích ma túy; dùng chung các loại kim xăm trổ, kim châm cứu, các dụng cụ xăm lông mi, xăm mày, lưỡi dao cạo râu... đều có nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Tuy nhiên, xác suất lây truyền HIV qua bơm kim tiêm chỉ 0,3% và không phải tất cả mũi tiêm đều có thể làm lây nhiễm bệnh. Virus HIV trong bơm kim tiêm có thể sống 5 ngày trong môi trường, còn nếu lâu hơn thì khó có thể làm lây nhiễm bệnh được.
Hơn nữa, trong thực hành y tế hiện nay, bơm kim tiêm là loại sử dụng một lần, sau khi dùng sẽ đậy nắp kim tiêm và được xử lý theo quy trình xử lý vật sắc nhọn của Bộ Y tế. "Bơm kim tiêm cũng là vật dụng khá phổ biến, rất sẵn trên thị trường và giá thành rất rẻ. Do đó, việc lây truyền HIV qua dùng chung bơm kim tiêm là rất khó, việc lây đồng loạt cho nhiều người lại là điều càng khó xảy ra"- PGS Cường phân tích.
Theo PGS Cường, nếu chẳng may bị vật sắc nhọn, bơm kim tiêm có nghi ngờ phơi nhiễm HIV thì người dân cần bình tĩnh, cần rửa vết thương dưới vòi nước, để nguyên máu chảy nhưng không nặn ra; với vết thương hở lớn cần cầm máu, đến cơ sở y tế để được uống thuốc dự phòng lây nhiễm tốt nhất trong vòng 6 tiếng đầu (hoặc trong vòng 72 tiếng) sẽ có hiệu quả ngăn chặn virus qua da vào máu.
Sau 1 tháng cần đánh giá lại và sau 3 tháng kiểm tra để xác định chính xác có dương tính với HIV không. Với nhân viên y tế, người làm nhiệm vụ như công an truy bắt tội phạm nếu có máu bắn vào mắt, da, niêm mạc cần uống thuốc kháng virus trong vòng 28 ngày để đảm bảo virus không nhân lên….
HIV ủ bệnh 5-10 năm mới chuyển sang AIDS, không phải vài tháng
Theo Sở Y tế Phú Thọ, 42 trường hợp vừa được báo cáo nhiễm HIV tại xã Kim Thượng (huyện Tân Sơn, Phú Thọ) không phải là các ca mới nhiễm. Trong số này, có những người đã chuyển sang giai đoạn AIDS, tức là đã nhiễm HIV từ 5-7 năm trước. PGS Cường cho biết bệnh HIV để chuyển sang giai đoạn AIDS phải qua thời gian rất dài từ 5-10 năm. Chắc chắn một điều không thể chỉ mất vài tháng mà bệnh nhân HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS được.
Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân nhiễm HIV không có triệu chứng rõ ràng, sau vài tuần thì có sốt phát ban, nổi hạch, đau mỏi người chỉ như triệu chứng của cảm cúm thông thường. Cho dù có xét nghiệm HIV vẫn cho ra âm tính. Đây là giai đoạn "cửa sổ", cần hết sức thận trọng, xét nghiệm âm tính chưa chắc đã không nhiễm HIV, mà phải theo dõi tiếp sau 3 tháng mới có thể khẳng định chắc chắn bệnh nhân nhiễm HIV hay không. Và phải sau 5-10 năm, bệnh HIV mới chuyển sang giai đoạn AIDS, lúc này người bệnh mới có các triệu chứng rõ rệt như sụt cân, sốt kéo dài, tiêu chảy….