Bác sĩ "mách" cách xử trí đơn giản khi bị ong đốt

Thứ tư, 29 Tháng 8 2018 09:21 (GMT+7)
Liên tục tiếp nhận bệnh nhân nguy kịch do ong đốt, bác sĩ Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) hướng dẫn người dân cách sơ cứu ong đốt bằng cách uống nhiều nước và truyền nước để thải độc qua đường tiểu.

Bệnh nhân nam nguy kịch sau hàng chục vết ong đốt khắp người

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, ngày 28-8 cho biết hiện Trung tâm đang điều trị cho 4 bệnh nhân bị ngộ độc khá nặng do ong đốt. 

Trong đó có bệnh nhân N.T.H. (47 tuổi, ở Hà Nam) đã điều trị tại đây gần 1 tháng. Theo lời kể của bệnh nhân, ông bị đàn ong vò vẽ tấn công trong lúc đi lấy củi khi vô tình động vào tổ ong. Lúc ông H. bỏ chạy thì đàn ong càng tấn công dữ dội hơn.

Khoảng 15 phút sau khi bị ong đốt, toàn ông H. nóng bừng, khó chịu, choáng váng, vùng đầu đau nhói như bị kim châm vào đầu. Nạn nhân được người thân lấy đá chườm nhưng không đỡ. Sau đó, ông được người nhà đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam và chuyển đến Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) ngày 3-8. 

Bác sĩ Nguyên cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy thận cấp, vô niệu hoàn toàn, vỡ hồng cầu và rối loạn đông máu do bị ong vò vẽ đốt nhiều nốt. Bệnh nhân được điều trị tích cực, truyền dịch, lọc máu, sử dụng thuốc lợi tiểu. 

Sau gần 1 tháng điều trị tích cực, hiện tình trạng của bệnh nhân H. đang tiến triển tốt song vẫn đang phải dùng thuốc lợi tiểu và theo dõi tình trạng suy thận cấp.

Một bệnh nhân nam khác là anh H.V.T. (23 tuổi, ở Thái Nguyên) cũng bị biến chứng suy đa tạng do ong vò vẽ đốt khoảng 70 nốt khắp người. Bệnh nhân T. cho biết chiều 19-8, khi anh đang lấy củi trong rừng thì bị đàn ong vò vẽ tấn công vào đầu, hai cánh tay, bả vai, lưng…

Bác sĩ mách cách xử trí khi bị ong đốt - Ảnh 2.

Chỉ hơn 10 nốt ong vò vẽ có thể gây nguy hiểm cho sức khoẻ

Theo bác sĩ Nguyên, hầu hết bệnh nhân bị ong đốt thường không biết cách sơ cứu hoặc không đến cơ sở y tế trong 6 giờ đầu sau khi xảy ra sự cố. Trong khi đó, nọc độc ong vò vẽ rất nguy hiểm đối với sức khoẻ, chỉ trên 10 nốt đốt đã rất nặng nề. Bệnh nhân sẽ thấy đau nhiều, choáng, khát, tiểu ít dần, tổn thương cơ, suy thận, tan máu, rối loan động máu và tiểu cầu, có thể tổn thương các tạng khác. 

Thời điểm mùa thu, số lượng bệnh nhân nhập viện cũng tăng cao hơn hẳn. Các ca bệnh nhập viện đa phần là vô tình bị ong đốt khi đi rừng, va phải tổ ong không quan sát hoặc trẻ nhỏ hay nghịch ngợm chọc tổ ong.

Bác sĩ Nguyên lưu ý khi bị ong đốt việc quan trọng nhất là cho nạn nhân uống thật nhiều nước để thải độc sau đó đưa nạn nhân đến cơ sở y tế cần nhất để được điều trị thải độc, truyền nước. "Bù nước và truyền dịch là biện pháp hữu hiệu nhất để nọc độc được đào thải qua đường tiểu. Nếu chậm trễ (bệnh nhân được cấp cứu sau 12 tiếng bị ong đốt) nạn nhân có thể bị khó thở, sốc do dị ứng (mạch nhanh, yếu, tụt huyết áp), vỡ hồng cầu, tiêu cơ vân, suy thận khiến việc điều trị có thể kéo dài cả tháng, thay vì một vài ngày nếu sơ cứu đúng cách và điều trị sớm. 

"Một điều cũng cần lưu ý mà trong quá trình điều trị bệnh nhân chúng tôi được các chuyên gia về côn trùng học chia sẻ là khi bị ong đốt, nạn nhân thường có phản xạ chạy nhanh khỏi khu vực có tổ ong nhưng nếu thấy ong bay đến, không nên chạy mà đứng hoặc ngồi im và không cử động, ong có thể sẽ không nhìn thấy"- bác sĩ Nguyên khuyến cáo.

Khi bị ong tấn công, nạn nhân phải bình tĩnh, trước tiên cần che vùng đầu để không bị đốt. Tuyệt đối không dùng nhánh cây, quần áo để xua vì càng xua, ong sẽ càng bu lại tấn công. Với những con ong có độc tính mạnh như ong vò vẽ, ong bắp cày, nếu bị đốt (dù chỉ một vài nốt) ở vùng mặt, hàm và mang tai, cần đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt để được theo dõi và cấp cứu.

Nguồn: N.Dung - (nld.com.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe