Từ chỗ chỉ là tuyến dưới thì nay hệ thống y tế cơ sở được xác định vai trò trung tâm, "người gác cổng", góp phần nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh (KCB). Tìm ra giải pháp để nâng cao chất lượng y tế cơ sở chính là vấn đề ngành y tế trăn trở, cũng là chủ đề chính của buổi giao lưu trực tuyến do Bộ Y tế cùng Báo Người Lao Động phối hợp tổ chức sáng 30-8.
Cần thiết duy trì trạm y tế cơ sở
Tại buổi giao lưu, 2 vấn đề được bạn đọc quan tâm nhiều nhất là năng lực chuyên môn, niềm tin đối với y tế cơ sở, trạm y tế (TYT) và việc tồn tại y tế cơ sở, TYT liệu còn phù hợp trong bối cảnh mới.
Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Bùi Thanh Liêm tặng hoa cho ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM (bìa phải) và bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Tân Phú Ảnh: TẤN THẠNH
Một bạn đọc ở TP Hải Phòng băn khoăn: "Nhắc đến y tế cơ sở, nhiều người hay hình dung ra cảnh đìu hiu, vắng bóng bệnh nhân. Thực trạng đó có còn phổ biến không?". Bạn Lê Văn Phương (TP HCM) cho biết tại TP có rất nhiều TYT phường nhưng hầu như không ai lui tới, nhất là ở các quận trung tâm. "Bản thân tôi cũng không nghĩ tới việc ra TYT phường khám vì gần nhà có tới mấy bệnh viện (BV) tuyến quận lẫn TP, công lẫn tư. Vậy để lại TYT phường có thực sự cần thiết không?" - anh Phương hỏi.
Bạn đọc Anh Tuấn (TP HCM) cho rằng y tế cơ sở đang thiếu rất nhiều, nhất là cơ chế chính sách khiến người dân không muốn đến các TYT. Vậy Bộ Y tế phát triển y tế cơ sở liệu có phải chỉ là "hô khẩu hiệu"?
Theo Bộ Y tế, hiện cả nước có hơn 700 trung tâm y tế (TTYT) huyện, quận, thị xã; hơn 11.100 TYT xã, phường, thị trấn. Hơn 60% số TYT đã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2010-2020. Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng đủ năng lực đáp ứng.
Bác sĩ (BS) Đinh Trọng Phụ - Phó trưởng Phòng Kế hoạch Nghiệp vụ TTYT huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội - cho hay hiện số lượng bệnh nhân đến KCB tại các TYT xã trên địa bàn ngày càng tăng, trung bình từ 40-50 bệnh nhân/ngày/TYT. Những ngày cao điểm, con số này tăng lên hàng trăm bệnh nhân. "Việc TYT đìu hiu vắng bóng bệnh nhân chắc sẽ không còn, nếu có chỉ là cá biệt ở những nơi vùng sâu, vùng xa" - ông Phụ nhận định.
Đồng quan điểm, BS Nguyễn Văn Tiến - Giám đốc TTYT quận Tân Phú, TP HCM - cho hay trong 6 tháng đầu năm 2018, tại 11 TYT của quận đã khám, điều trị dự phòng cho trên 300.000 lượt bệnh nhân; quản lý và điều trị 411 bệnh nhân tâm thần, 671 bệnh nhân lao, 551 bệnh nhân HIV. Tiêm chủng mở rộng cho trên 21.000 lượt trẻ em dưới 1 tuổi, xử lý trên 6.000 điểm nguy cơ để khống chế dịch bệnh không lan rộng trên địa bàn.
"Như vậy, ngoài chức năng KCB, TYT phường còn thực hiện công tác dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cộng đồng mà người dân chưa biết hoặc đã biết nhưng nghĩ đó không phải là chức năng của TYT. Tôi nghĩ việc duy trì hoạt động TYT là cần thiết. Theo xu hướng thế giới, Bộ Y tế dần dần sẽ cải tiến TYT thành một tuyến KCB ban đầu hiện đại, phục vụ nhu cầu tại chỗ của người dân theo mô hình TYT 1 điểm dừng sắp được triển khai" - ông Tiến chia sẻ.
Đầu tư công nghệ, hỗ trợ bác sĩ tuyến dưới
Đặt câu hỏi cho buổi trực tuyến, không ít người trong cuộc là y - BS tuyến y tế cơ sở bày tỏ cần có quyết sách thực tế để họ gắn bó công việc. Danh mục thuốc và kỹ thuật cho người bệnh vẫn rất hạn chế nên người bệnh không thích về xã, phường.
"Tôi rất vui khi Bộ Y tế và Sở Y tế TP HCM thấy được vai trò cần thiết của TYT. Để các TYT trở thành "người gác cổng" đúng nghĩa trong tương lai, sở sẽ có những giải pháp gì cho các TYT?" - một bạn đọc là nhân viên trạm y tế hỏi.
Giải đáp vấn đề này, PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết ngành y tế TP đã xây dựng kế hoạch với nhiều hoạt động đồng bộ, sáp nhập BV quận, huyện vào TTYT quận, huyện, luân phiên BS xuống TYT để bảo đảm mỗi trạm có ít nhất 2 BS, mô hình phòng khám đa khoa của BV quận đặt tại TYT, mô hình xã hội hóa hoạt động KCB tại TYT...
"Nhân viên y tế ở trạm sẽ không còn cảm giác lẻ loi khi có mạng lưới các BS chuyên khoa của các BV quận, huyện hoặc TP hỗ trợ phía sau. Sở Y tế sẽ hình thành mạng lưới tư vấn chuyên môn bằng nhiều hình thức như điện thoại, ứng dụng công nghệ thông tin, trực tuyến để kịp thời hỗ trợ trong chẩn đoán, xử trí cho các BS ở TYT. Ngoài ra, trong kế hoạch đào tạo liên tục của Sở Y tế, các BS đang công tác ở trạm là một trong những đối tượng ưu tiên để được đào tạo các kiến thức chuyên môn cần thiết" - BS Thượng thông tin.
Cũng theo BS Thượng, hiện nay hệ thống y tế của nước ta chưa thực sự có "người gác cổng". Người dân có thể đến thẳng các BV để KCB mà không cần qua các cơ sở KCB ban đầu. Liên thông BHYT tuyến huyện là một chính sách rất có lợi cho người dân nhưng về lâu dài sẽ rất bất lợi vì sẽ gây quá tải tại các BV tuyến trên, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng điều trị.
Không thể áp dụng máy móc mô hình "người gác cổng" của bất kỳ nước nào cho một quốc gia do có sự khác biệt về mức thu nhập, hệ thống y tế... Tuy nhiên, việc vận dụng nguyên tắc này cần được các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, trong đó hoạt động ưu tiên trước mắt nâng cao chất lượng của các TYT, là hoàn toàn phù hợp. Bên cạnh đó, cần tính đúng - tính đủ viện phí, đồng chi trả... để người dân phải cân nhắc chọn BV là nơi khám đầu tiên hay TYT hoặc các phòng khám là nơi khám đầu tiên.
Các chính sách cụ thể
Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), việc củng cố, phát triển mạng lưới y tế cơ sở để hệ thống này làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, thực sự là "người gác cổng" phải cần từ 10-15 năm với nhiều cơ chế chính sách cụ thể. Đó là đầu tư nâng cấp về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, bảo đảm nguồn nhân lực cho y tế cơ sở, có cơ chế chính sách đãi ngộ phù hợp để khuyến khích BS công tác tại y tế cơ sở. Quỹ BHYT cũng phải thanh toán cho các dịch vụ mà tuyến y tế cơ sở làm được, bảo đảm đủ thuốc cho nhu cầu điều trị của người dân tại đây.