Liên tiếp xuất hiện nhiều rắn tại khu đô thị Linh Đàm khiến nhiều người lo ngại
Ngày 23/8, trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bé N.T.Đ. (7 tuổi) bị rắn cắn khi đang chơi đùa tại công viên Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội).
Trao đổi trên báo Vietnamnet, chị Hương, mẹ bệnh nhi cho biết, khi đang chơi trong công viên, con trai chị bất ngờ bị một con rắn màu vàng lao tới cắn vào cẳng chân phải. Bị cắn đau bất ngờ, cháu bé hét lên, khi bà quay lại thì con rắn đã lủi vào bụi cỏ.
Ngay sau đó, cháu Đ. được đưa đến một phòng khám trong khu đô thị để sơ cứu trước khi chuyển đến trung tâm Chống độc. Qua thăm khám, bác sĩ kết luận trên cẳng chân cháu bé có nhiều vết răng do rắn cắn.
Do đưa vào cấp cứu sớm nên cháu bé vẫn tỉnh táo, chưa có biểu hiện khó thở hay nhiễm độc, không sưng nề, bầm tím. Bác sĩ cũng chưa có chỉ định dùng thuốc kháng huyết thanh. Sau đó bệnh nhi được chuyển đến khoa Nhi để theo dõi trong vòng 24 giờ.
Việc bé Đ. bị rắn cắn đã tạo nên sự hoang mang rất lớn cho các bậc phụ huynh trong khu đô thị. Người dân liên tục cảnh báo nhau không nên cho trẻ đi chơi trong công viên để tránh tình trạng này tái diễn.
Cư dân tại khu đô thị Linh Đàm cho biết, chỉ vài tháng qua, đã 3 lần rắn rơi từ chung cư xuống đất và đều là rắn to.
Cách phòng tránh rắn cắn
Chia sẻ trên báo Trí thức trẻ, Giáo sư Đặng Huy Huỳnh (Phó Chủ tịch hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, chuyên gia nghiên cứu động vật bò sát cho biết, rắn phân bố rất rộng, không chỉ rừng mà các khu đô thị, khu công nghiệp, vườn nhà... đều có thể có rắn.
Đặc biệt, ở các khu vực ẩm ướt, xung quanh ao hồ rộng, lùm cây um tùm... đều có thể có rắn sinh sống.
Khu vực xung quanh Linh Đàm - nơi có ao hồ rộng, ẩm ướt, cây cối um tùm... nên rất thích hợp cho việc trú ẩn, sinh sống của một số loài rắn như rắn nước, thậm chí các loài rắn độc như rắn lục, hổ mang.
Bên cạnh đó, do khu vực sinh sống có nhiều thay đổi, bị thu hẹp vì nhà cửa xây dựng nhiều ở Linh Đàm nên rắn chuyển về sinh sống cạnh các hang hốc, bụi cây gần con người.
Ngoài ra, từ vấn đề biến đổi khí hậu nên thời gian qua tình hình thời tiết có nhiều bất thường như nóng lạnh liên tục cũng khiến rắn xuất hiện nhiều.
Cũng theo chuyên gia Đặng Huy Huỳnh, mùa này được coi là mùa sinh sản, đẻ trứng của một số loài rắn nên chúng thường xuyên xuất hiện ở ngoài.
Trong quá trình chúng xuất hiện, nếu chẳng may, người dân, nhất là các cháu nhỏ chơi trong công viên, bãi cỏ không để ý, vô tình giẫm phải hay va chạm thì rắn sẽ tấn công lại.
Theo GS. Đặng Huy Huỳnh, để hạn chế việc bị rắn tấn công, điều quan trọng nhất là cần dọn dẹp môi trường, phát quang các bụi rậm trong khu vực công viên, đặc biệt ở khu vực Linh Đàm với hệ thống hồ, cây cối um tùm, tránh rắn xuất hiện, cư trú.
Khi cho các cháu nhỏ vào công viên chơi, nhất là buổi tối cần tránh các khu vực bụi rậm, ẩm ướt, các khu vực không có đèn chiếu sáng. Đi ủng, giày cao cổ và quần dài, đặc biệt khi đi trong đêm tối, đội thêm mũ rộng vành nếu đi ở khu vực nhiều cây cỏ.
Cách sơ cứu đúng khi bị rắn cắn
Khi bị rắn cắn, cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp sơ cứu cần thiết và đưa nạn nhân vào các bệnh viện, trung tâm chống độc để xử lý kịp thời.
Báo Vnexpress cho biết, cách sơ cứu đúng khi bị rắn cắn là cần để nạn nhân nằm yên, trấn an, nếu cử động sẽ khiến máu chảy và truyền nọc độc đến tim nhanh hơn.
Tiếp đến, cố định chân tay nạn nhân nhưng không được hạn chế sự lưu thông của máu, trừ khi biết chắc loài rắn đã cắn có nọc độc tác động đến thần kinh.
Sau đó, nới lỏng quần áo của nạn nhân và nếu cần thiết có thể cởi các đồ trang sức như nhẫn, vòng ở vùng bị cắn.
Ngoài ra, cần phải theo dõi sát tình trạng hô hấp. Nếu bệnh nhân thở nhanh, yếu, hoặc xuất hiện tím môi phải hô hấp nhân tạo ngay. Nguyên nhân tử vong hàng đầu là suy hô hấp do liệt cơ hô hấp, nên nếu không được hô hấp kịp thời, có thể bệnh nhân sẽ tử vong trước khi đến được bệnh viện.
Trường hợp bệnh nhân bị hoại tử tại vết cắn, cần rửa sạch bằng nước muối sinh lý, dùng gạc sạch đậy lên, băng lại, rồi chuyển tới bệnh viện càng sớm càng tốt.
Nói về việc sơ cứu khi bị rắn cắn, các chuyên gia cũng lưu ý, không nên băng garo sau khi bị rắn cắn vì cột chặt có thể làm máu không đến được vị trí đã bị buộc khiến phần này dễ hoại tử. Khi đến bệnh viện, bác sĩ tháo băng garo ra thì chất độc sẽ cùng lúc ùa về tim khiến bệnh nhân vào cơn sốc, bệnh nhân có thể tử vong ngay lập tức.
Bên cạnh đó, nạn nhân bị rắn cắn tuyệt đối không được đắp đá, chườm lạnh và tuyệt đối không bôi hóa chất, thuốc, lá cây... lên vết cắn.
Cách tốt nhất sau khi bị rắn cắn là rửa sạch vết thương, băng quấn kín vết thương bình thường để không tạo áp suất và gây bầm tím, hoặc băng nẹp giống như khi gãy chân tay.
Trong khi vận chuyển nạn nhân đi cấp cứu nên để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim, nếu ở chân, tay thì có thể để thõng tay hoặc chân.