Ảnh: Harvard Health
Cụ thể, các chuyên gia Đại học Buffalo đã kiểm tra thông tin hoạt động thể chất tự ghi nhận từ 137.303 phụ nữ (độ tuổi 50-79) từng tham gia nghiên cứu dài hạn mang tên Sáng kiến Sức khỏe Phụ nữ (WHI). Kế đến, họ đối chiếu dữ liệu của 35.272 phụ nữ mắc một trong hai dạng suy tim là phân suất tống máu giảm và phân suất tống máu bảo tồn sau 14 năm theo dõi.
Kết quả phân tích cho thấy so với nhóm không vận động, tỷ lệ nguy cơ mắc bệnh suy tim ở những phụ nữ có thời gian hoạt động thể chất ngày càng tăng nhìn chung thấp hơn. Cụ thể, cứ mỗi 30-45 phút vận động/ngày trung bình giúp họ giảm 9% nguy cơ bị suy tim nói chung, 8% nguy cơ suy tim phân suất tống máu bảo tồn và 10% nguy cơ suy tim phân suất tống máu giảm.
Theo nhóm nghiên cứu, vận động thể chất và đi bộ có tác dụng đảo ngược sự phát triển chứng suy tim, cho dù người tham gia hoạt động thể chất ở cường độ nhẹ, vừa phải hoặc rất mạnh. Qua đó, họ kết luận rằng thời lượng, chứ không phải cường độ vận động, mới mang lại lợi ích giảm rủi ro suy tim và đi bộ là một trong các kiểu vận động hiệu quả nhất.