Mới đây, tại huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang đã xảy ra một tai nạn thương tâm khiến cháu bé 6 tuổi tử vong. Nguyên nhân là do bé tắc đường thở trong lúc ăn nhãn.
Già, trẻ đều có thể tử vong
Theo gia đình, bé N.H.P được người nhà bóc vỏ nhãn cho ăn. Trong lúc vừa ăn vừa chơi đùa, bé nuốt hạt nhãn, bị mắc nghẹn, không thở được. Gia đình chuyển bé đến bệnh viện (BV) cấp cứu nhưng bé đã bị chết não trước khi vào viện.
Thủ thuật nội soi gắp dị vật tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á
Trước đó chưa lâu, tại TP HCM, một tai nạn đau lòng xảy ra với bé gái 11 tuổi do uống trà sữa có hạt trân châu. Sự việc xảy ra khi hai mẹ con cùng làm món trà sữa trân châu tại nhà. Lúc uống, bé hút mạnh hạt trân châu kẹt trong ống nên hạt đã bay thẳng vào họng, làm tắc đường thở. Thấy con gái bị nghẹn, người mẹ là bác sĩ đã cấp cứu cho con, kể cả dùng thủ thuật Heimlich (sơ cứu mắc dị vật đường thở), tuy nhiên, tất cả đều không có tác dụng. Khi đưa tới BV, bé đã tử vong.
Nếu tai nạn hóc dị vật do bất cẩn dẫn đến những cái chết đau lòng ở trẻ nhỏ thì người lớn cũng có nguy cơ không kém. Tuy nhiên, dở khóc dở cười nhất là bất cẩn nuốt dị vật do… ngủ quên. Kể lại chuyện của mình, anh Đ.N.M (ngụ quận 4, TP HCM) cũng bất ngờ vì không nghĩ mình cũng có ngày bị hóc dị vật. Số là anh bị đau nhói vùng hông không rõ lý do gần 10 ngày, cũng không thể gập người hoặc ngồi xuống được, buộc anh phải đến BV. Từ kết quả siêu âm, CT-scan bụng, các bác sĩ phát hiện và gắp ra cây tăm xỉa răng dài đến 6 cm đã xuyên thủng ruột non, đi vào ổ bụng, tạo khối áp-xe ở vùng hố chậu phải khiến anh đau đớn kéo dài. Lúc này anh M. mới nhớ là mình có thể đã ngậm tăm rồi ngủ quên dẫn đến cớ sự.
Cần đến bệnh viện sớm
Hầu như BV Nhi Đồng 1 và 2 (TP HCM) tuần nào cũng tiếp nhận cấp cứu bệnh nhi hóc dị vật. Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Ngọc, Trưởng Khoa Tiêu hóa BV Nhi Đồng 2, tai nạn nuốt dị vật ở trẻ em thường gặp nhất là nuốt tăm xỉa răng, pin, tóc, những loại hạt trái cây...
Các chuyên gia cho biết nuốt phải dị vật là trường hợp hay gặp trong cấp cứu. Nhiều trường hợp dị vật sẽ vượt qua đường tiêu hóa mà không gây biến chứng nhưng các dị vật sắc như kim may, tăm xỉa răng, xương cá, xương gà làm gia tăng nguy cơ thủng đường tiêu hóa, tắc nghẽn đại tràng, xuất huyết tiêu hóa, áp-xe, hình thành rò tiêu hóa, thậm chí tử vong. Để hạn chế tình trạng nuốt phải tăm ở những người có nguy cơ cao, bác sĩ khuyến cáo có thể dùng tăm bằng tinh bột hoặc dùng chỉ nha khoa thay cho tăm tre - gỗ.
Các bậc phụ huynh cần kiểm soát các vật dụng bé chơi. Cần lưu ý luôn quan sát, hạn chế để trẻ chơi một mình và tiếp xúc với các đồ vật dễ nuốt. Nên cho trẻ chơi các đồ chơi phù hợp với lứa tuổi và cần dọn dẹp nhà cửa gọn gàng để tránh trẻ nhặt được các dị vật nhỏ cho vào miệng, tránh tai nạn đáng tiếc. Nếu thấy dấu hiệu bất thường, phải đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất thăm khám để sớm phát hiện dị vật và có hướng điều trị hiệu quả.
Theo ThS-BS Dương Bá Lập, Khoa Ngoại Tiêu hóa BV Bình Dân (TP HCM), nhiều trường hợp người bệnh không biết mình đã nuốt xương cá, tăm xỉa răng khiến họ phải trải qua phẫu thuật khi dị vật đã cắm sâu trong thực quản hoặc đại tràng. Người bệnh có nguy cơ tử vong nếu không được phát hiện và phẫu thuật kịp thời một khi xương cá, tăm xỉa răng…sắc nhọn xuyên thủng ống tiêu hóa ra ổ bụng hoặc tạo những ổ nhiễm trùng trong lồng ngực, ổ bụng.
"Dù người lớn hay trẻ nhỏ, tai nạn nuốt phải dị vật luôn nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng nếu không được xử trí kịp thời. Những trường hợp bị hóc sặc, nuốt phải dị vật hoặc đau bụng bất thường không rõ nguyên nhân… cần đến BV để được thăm khám, điều trị, tránh biến chứng nguy hiểm" - bác sĩ Trương Ngọc Nhã, Trưởng Trung tâm Nội soi BV Đa khoa Xuyên Á (TP HCM), khuyến cáo.
Đang ho sặc: Không dùng Heimlich
Việc sơ cứu nạn nhân cần phải thực hiện đúng cách chứ không tùy tiện. Cụ thể, nếu nạn nhân còn hồng hào, không khó thở nên đặt ở tư thế ngồi, giữ yên và đưa đến cơ sở y tế. Nếu nạn nhân khó thở, tím tái, trước tiên cần giữ trong tư thế mặt úp, đầu chúc xuống thấp hơn thân, sau đó vỗ mạnh nhiều lần vào giữa 2 xương bả vai; nếu vẫn còn bị sặc, hãy đặt nằm nghiêng và hơi ngửa đầu ra sau, một tay đỡ lưng nạn nhân rồi dùng 2 ngón tay kia ấn vào khoảng giữa rốn và phần cuối của xương sườn. Trong trường hợp này, chú ý ấn vào trong và lên phía trên một cách nhanh, mạnh. Việc dùng ngón trỏ móc họng trẻ nhỏ là động tác đơn giản và tương đối hữu hiệu.
Với nạn nhân là trẻ lớn và người lớn, có thể dùng thủ thuật Heimlich nhưng chỉ nên dùng khi bệnh nhân gần như ngừng thở hoặc thở rất yếu, gần như lả đi; nếu bệnh nhân còn ho sặc, còn khỏe thì không nên làm. Để người bị nạn đứng, người cúi ra trước, bạn đứng phía sau, 2 tay bắt vào nhau thành một nắm đấm để vào vùng thượng vị của họ, sau đó giật mạnh từ trước ra sau và từ dưới lên trên để làm tăng áp lực trong lồng ngực nhằm tống dị vật ra. Có thể lặp lại 6 - 10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật được tống ra khỏi đường thở.
NGUYỄN TIẾN HÙNG
(nguyên bác sĩ BV Tai Mũi Họng trung ương)