Các nhà khoa học thuộc Đại học Queen Mary London (Anh) đã khảo sát kỹ 3.500 đại thực bào trên bánh nhau của 5 thai phụ sống nơi ô nhiễm và phát hiện ra có 60 tế bào chứa 72 chấm đen cực nhỏ.
Đó được xác định là các hạt bồ hóng mini – những chấm carbon siêu nhỏ. Số chấm đen chiếm tổng diện tích trung bình 0,000005 mm2 trên mỗi bánh nhau nhưng bấy nhiêu đã đủ gây những tác hại lớn lên trẻ sơ sinh. Nhau thai lại là cơ quan trung chuyển oxy và nguồn cung cấp máu từ mẹ đến với bé.
Các hạt ô nhiễm được phát hiện xâm nhập vào nhau thai các bà mẹ sống trong thành phố ô nhiễm
Theo các tác giả, các chấm đen này có nguồn gốc chủ yếu từ không khí ô nhiễm mà thai phụ hít vào. Trước đây, đã có nhiều nghiên cứu cho thấy thai phụ sống nơi ô nhiễm có tỉ lệ sinh non, thai chết lưu cao hơn nhiều so với người sống nơi trong lành. Các chấm đen làm nhau thai ô nhiễm này có thể là lý do.
Tiến sĩ - bác sĩ Norrice Liu, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết các kết quả nói trên là bước đầu. Bà và các cộng sự đang nỗ lực tìm các bằng chứng vững chắc hơn cho thấy các hạt ô nhiễm bị hít vào phổi có thể đi đến các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm nhau thai, cũng như nó có trực tiếp chuyển sang thai nhi hay không.
Tuy nhiên, bà khẳng định rằng các chấm đen carbon không cần phải xâm nhập trực tiếp vào thai nhi cũng đủ gây tác hại, bởi đơn giản là nó ảnh hưởng đến con đường huyết mạch nuôi dưỡng thai nhi.
Bình luận về nghiên cứu trên, giáo sư Mina Gaga, Chủ tịch Hiệp hội Hô hấp châu Âu, đề xuất chúng ta cần những chính sách chặt chẽ hơn để quản lý mức độ ô nhiễm không khí, làm cho không khí sạch hơn vì đã có nhiều bằng chứng cho thấy ô nhiễm không khí làm ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe.
Nhiều nghiên cứu khoa học trên thế giới đã xác định ô nhiễm không khí là một nguyên nhân lớn làm gia tăng nguy cơ nhiều căn bệnh thời đại: tiểu đường, tim mạch, vô sinh…