Ảnh: Medical News Today
Đau đầu được phân thành 3 dạng chính: sơ cấp, thứ cấp và đau bất thường ở dây thần kinh sọ hay dây thần kinh sinh ba (đau mặt). Đa phần các cơn nhức đầu là dạng nguyên phát, tức không nguy hiểm và tự khỏi nếu nghỉ ngơi tốt hoặc dùng thuốc giảm đau theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, đau đầu cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh nguy hiểm như xuất huyết não, nhiễm trùng, viêm màng não.
Dưới đây là cách nhận diện và xử lý một số chứng đau đầu phổ biến trước khi cơn đau trở nên khó kiểm soát:
Đau nửa đầu: Phụ nữ có nguy cơ gặp phải tình trạng này cao gấp 3 lần nam giới. Các cơn đau có thể kéo dài đến 3 ngày với triệu chứng đau nhói dữ dội một bên đầu kèm theo cảm giác buồn nôn, rối loạn thị giác hoặc mất thị lực một phần, khó phát âm, có cảm giác như kim châm và tê mỏi chân tay.
Cơn đau thường xuất hiện khi bị lo lắng, căng thẳng tinh thần (stress), ngủ không ngon giấc, thay đổi nội tiết tố, ăn uống thất thường, cơ thể mất nước. Ánh sáng chói, tiếng ồn lớn, mùi vị khó chịu hoặc một số thành phần trong thực phẩm, thuốc men cũng có thể kích hoạt cơn đau.
Trường hợp nhẹ, mọi người được khuyến cáo nên uống nhiều nước, nghỉ ngơi trong môi trường yên tĩnh hoặc dùng thuốc giảm đau không kê đơn (OTC). Nhưng nếu tần suất cơn đau hơn 4 lần/tháng, mỗi lần kéo dài hơn 12 tiếng và dùng thuốc giảm đau vẫn không hiệu quả, người bệnh nên gặp bác sĩ.
Nhức căng đầu: Biểu hiện là đau âm ỉ ở cả hai bên đầu, từ phần gáy lan ra phía trước mặt, có cảm giác đè ép ở vùng sau mắt, cũng như nhạy cảm ở mặt, đầu, cổ và vai. Cơn đau có thể kéo dài 30 phút đến vài tiếng.
Stress, lo âu, trầm cảm là những nguyên nhân chủ yếu gây nhức căng đầu. Ngoài ra, cơ thể mất nước, thiếu vận động, giấc ngủ kém, đứng, ngồi hoặc giữ đầu sai tư thế trong thời gian dài, ăn uống không điều độ và mắt hoạt động quá sức cũng có thể gây bệnh này.
Theo chuyên gia thần kinh học John Ng, có thể dùng thuốc giảm đau OTC nhưng quan trọng hơn hết, mọi người nên chú ý kiểm soát stress và thay đổi lối sống. Nên đến gặp bác sĩ nếu các triệu chứng không cải thiện từ 15 ngày đến hơn 3 tháng.
Đau đầu từng cơn: Dạng đau đầu nặng và tái đi tái lại này xảy ra với nam giới (nhất là người hút thuốc lá) cao gấp 6 lần nữ giới, thường xuất hiện vài giờ sau khi ngủ, mỗi đợt kéo dài từ 15 phút tới 3 tiếng, lặp lại cùng thời điểm trong vài ngày, vài tuần thậm chí vài tháng. Triệu chứng gồm đau nhiều ở sau hoặc xung quanh mắt, lan ra trán và thái dương, kèm theo chảy nước mắt, sưng mí mắt, nghẹt hoặc chảy nước mũi, nhạy cảm với âm thanh/ánh sáng và dễ xúc động.
Có thể giảm triệu chứng bệnh bằng cách tiêm thuốc, nhỏ mũi gây tê cục bộ hoặc hít thở ôxy 100%. Hạn chế uống rượu, bỏ thuốc lá cũng giúp giảm tần suất cơn đau.
Đau đầu do gắng sức: Thường gặp ở người có tiền sử gia đình bị đau nửa đầu. Bệnh xuất hiện khi cơ thể vận động quá sức chẳng hạn như chạy, nhảy, nâng tạ, thậm chí ho, hắt hơi và quan hệ tình dục. Người bệnh thường cảm thấy đau nhói quanh đầu trong chốc lát nhưng cũng có thể kéo dài đến 2 ngày.
Làm nóng cơ thể, dùng thuốc nhóm thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) trước khi vận động hoặc thuốc giảm đau OTC sau đó có thể giúp ích.
Đau đầu do lạm dụng thuốc giảm đau: Như tên gọi, nguyên nhân gây chứng đau đầu này là do dùng thuốc giảm đau OTC hơn 15 ngày/tháng, với triệu chứng tương tự như đau căng đầu. Cách chữa trị là giảm hoặc ngưng dùng thuốc, tuy có thể dẫn đến tình trạng buồn nôn, tăng nhịp tim, khó ngủ và bồn chồn, nhưng tình trạng sẽ được cải thiện trong khoảng 10 ngày sau đó.
Đau đầu do viêm xoang: Cơn đau được cảm nhận xung quanh hoặc phía sau mắt, trên má, sống mũi, dọc theo trán hoặc răng hàm trên. Đau thường tăng lên khi đầu xê dịch đột ngột và người bệnh có thể bị chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, đau tai, sưng mặt thậm chí bị sốt, cơ thể mỏi mệt.
Nguyên nhân gây đau là do lớp màng lót xoang ở vùng đầu bị sưng, viêm bởi tình trạng nhiễm trùng hoặc dị ứng. Để giảm đau, cách tốt nhất là đến gặp bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp, bao gồm dùng kháng sinh hoặc rút bỏ dịch viêm trong tai, mũi, họng nếu cần thiết.
Đau đầu do caffein: Tình trạng này xuất hiện khi cơ thể tiêu thụ lượng lớn caffein (khoảng 500mg/ngày, tương đương hơn 5 ly cà phê). Những người uống hơn 200 mg caffeine/ngày liên tục 2 tuần cũng đủ gây cơn đau giống đau nửa đầu khi đột ngột ngưng uống. Triệu chứng là mệt mỏi, khó tập trung và dễ nổi nóng.
Tùy vào cơ địa mà mỗi người phản ứng khác nhau với caffeine. Nhưng nếu bạn muốn bỏ cà phê, các triệu chứng thường biến mất sau khoảng 7 ngày. Nhìn chung, giảm lượng caffeine tiêu thụ có thể giảm nguy cơ đau đầu. Bệnh viện Cleveland Clinic (Mỹ) khuyến cáo mọi người chỉ tiêu thụ caffeine (khoảng 2 ly/ngày) và không uống các loại thuốc giảm đau OTC chứa caffeine nhiều hơn 2 ngày/tuần.
Chuyên gia thần kinh học John Ng khuyên chúng ta nên đến gặp bác sĩ nếu cơn đau đầu có dấu hiệu sau đây:
- Đến đột ngột, khác biệt so với các cơn đau đầu thông thường với chiều hướng tồi tệ hơn.
- Đau nhiều đến nỗi khiến bạn ngất đi hoặc bị co giật.
- Bắt đầu xuất hiện ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc người trên 50 tuổi, bệnh nhân bị ung thư, người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch hoặc phụ nữ mang thai.