Hàng chục ngàn trẻ sơ sinh sẽ được tầm soát bệnh tim bẩm sinh

Thứ tư, 19 Tháng 9 2018 10:13 (GMT+7)
Dự kiến có khoảng 30.000 trẻ sơ sinh ra đời ở An Giang trong năm 2018-2019 sẽ được tầm soát bệnh tim bẩm sinh với sự hỗ trợ của các trang thiết bị y tế hiện đại.

Ngày 18-9, tại TP Long Xuyên, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh An Giang phối hợp với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tổ chức lễ khởi công dự án "Phát hiện sớm bệnh tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh tại An Giang".

Hàng chục ngàn trẻ sơ sinh sẽ được tầm soát bệnh tim bẩm sinh - Ảnh 1.

Đại diện Tỉnh ủy An Giang cùng các đơn vị liên quan thực hiện nghi thức cắt băng khởi động dự án

Theo đó, dự án sẽ đầu tư trang thiết bị như máy đo độ bão hòa ôxy cầm tay cho trẻ sơ sinh (Nellcor PM10N của hãng Medtronic) và 1 ống nghe điện từ Littmann Model 3200 cùng với hệ thống phần mềm quản lý để giúp các cơ sở sản khoa trên địa bàn có thể hội chẩn nhanh chóng với các bác sĩ tim mạch của Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Qua đó, phát hiện bệnh tim bẩm sinh kịp thời và có phác đồ điều trị sớm cho các trẻ mắc loại bệnh này. Dự án do chương trình "Trái tim cho em" phối hợp cùng Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Sản Nhi An Giang và Bệnh viện Tim mạch An Giang thực hiện.

PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết đây là dự án được thực hiện đầu tiên tại Việt Nam vì chưa có quốc gia nào thực hiện. Đồng thời, với tư cách là đại biểu Quốc hội của tỉnh An Giang, đại diện cho Tổng Hội Y dược học Việt Nam và trên hết là một bác sĩ tim mạch chuyên sâu về bệnh tim bẩm sinh nên bản thân ông rất mong muốn sẽ có biện pháp phát hiện sớm và điều trị kịp thời cho trẻ em mắc loại bệnh này.

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Hùng, Giám đốc Viettel An Giang, cho biết chương trình "Trái tim cho em" đã có gần 10 năm đồng hành với trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh và đã giúp phẫu thuật miễn phí cho hơn 4.500 trẻ em nghèo cũng như tổ chức sàng lọc bệnh tim miễn phí ở nhiều địa phương trong cả nước.

Ông Từ Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Y tế An Giang, cho rằng bệnh tim bẩm sinh là loại bệnh hiểm nghèo với chi phí điều trị khá cao vào khoảng 40 triệu đồng/ca nhưng cũng khó cứu chữa nếu như phát hiện không kịp thời. Việc ra đời dự án là rất kịp thời và mang tính nhân đạo sâu sắc để giúp trẻ em nghèo trong tỉnh có điều kiện chữa trị mà không phải mất nhiều chi phí. Tuy nhiên, dự án này có thành công hay không là do ý thức trách nhiệm của người thầy thuốc cho dù đã được hỗ trợ từ những trang thiết bị hiện đại.

Nguồn: T.Nốt - (nld.com.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe