Sáng 27-9, Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương điều trị cho 3 trẻ mắc bệnh sởi (từ 10 tháng đến 10 tuổi). Trước khi nhập viện các cháu đều sốt cao, da phát ban và ho nhiều. Trong vòng một tháng trở lại đây bệnh viện này đã trị cho hàng chục trẻ trong đó có nhiều em gặp biến chứng viêm phổi.
Chỉ về hướng bé trai 8 tuổi đang nằm ho với thân thể nổi đầy hột đỏ, Chị Phan Thị Xuân (thuê trọ tại Bình Dương, quê miền Tây) kể: "Do mắc sởi nên con tôi phải bỏ học 8 ngày nay. Hôm trước tôi phát hoảng vì cháu sốt cao, ho liên tục, mặt mày nổi đầy hột. Bác sĩ tuyến dưới khám và yêu cầu chuyển gấp lên đây".
Bé trai 8 tuổi mắc bệnh sởi phải bỏ học chữa trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương
Mẹ bé cho biết bé chưa được tiêm ngừa đầy đủ vắc - xin phòng chống bệnh sởi
Chị Xuân cho biết hồi nhỏ con chị không tiêm vắc-xin ngừa sởi. Một phụ huynh khác là chị Lê Thị Diễm Thúy (thuê trọ ở Bến Cát, Bình Dương, quê ở An Giang) cũng cho biết con mình chưa được tiêm vắc-xin ngừa sởi dù đã 10 tháng tuổi (theo quy định trẻ 9 tháng phải tiêm ngừa sởi).
Căn phòng 3 cháu bé mắc bệnh sởi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương
Cháu bé nhỏ nhất mới có 10 tháng tuổi.
Ngày 27-9, bác sĩ Lương Thị Hồng Lê, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Dương cho biết hiện nay số lượng bệnh nhân mắc bệnh sởi ở tỉnh này nhiều hơn so với cùng kỳ năm trước.
Về nguyên nhân nhiều người mắc bệnh này, bác sĩ Lê cho rằng đây là tình hình chung, khu vực Châu Âu, Châu Á đều tăng. Trước khi số người mắc bệnh sởi ở miền Nam tăng thì ngoài Bắc đã tăng. Do đi lại, giao lưu nhiều nên dễ lây lan. Trẻ em chưa tiêm vắc-xin phòng ngừa sởi là đối tượng dễ mắc bệnh này nhất.
Bác sĩ Lê cho biết bệnh này chưa có thuốc trị đặc hiệu. Bác sĩ khuyến cáo trẻ em đủ tuổi phải đi tiêm ngừa đúng lịch. Phụ nữ trước khi có thai cũng nên tiêm vắc-xin ngừa sởi.