Tại hội nghị "Tăng cường công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết và các dịch mùa hè năm 2018 trên phạm vi toàn quốc" do bộ Y tế tổ chức, Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Theo lịch, mũi sởi đầu tiên sẽ được tiêm lúc 9 tháng tuổi. Vài năm gần đây, nhiều trẻ mắc sởi trước độ tuổi tiêm chủng. Tỷ lệ này các năm trước chỉ khoảng 3%, năm 2016-2017 tăng gần 20%. Năm 2017, Hà Nội ghi nhận 83 ca sởi, một trẻ tử vong, trong đó gần 1/3 là trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng”.
Theo Lao động thủ đô, PGS. TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ, cách đây hơn 1 tháng, bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho một trường hợp nhiễm sởi sơ sinh (14 ngày tuổi).Theo các bác sĩ, hầu hết các trường hợp mắc bệnh là do không tiêm hoặc chưa được tiêm vắc xin đầy đủ nên chưa có đủ miễn dịch. Các trẻ chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ đều có khả năng bị bệnh khi tiếp xúc với nguồn lây. Ngoài ra, nhiều bác sĩ lo ngại, gần đây số ca mắc sởi thường nặng hơn vì nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng biến chứng viêm phổi, suy hô hấp…
Lý giải cho câu hỏi, vì sao hiện nay số ca mắc bệnh sởi ngày một tăng, đặc biệt là trẻ em, PGS.TS Trần Minh Điển cho biết: Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp. Bệnh có biểu hiện sốt, viêm long đường hô hấp, đường tiêu hóa và kết mạc mắt kèm nổi ban đặc trưng.Bệnh sởi thường xuất hiện ở trẻ nhỏ, là đối tượng có miễn dịch kém.
Thông thường, sởi là căn bệnh thường gặp ở trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên, còn dưới độ tuổi này, trẻ ít mắc hơn. Bởi một bà mẹ đang ở tuổi sinh đẻ có miễn dịch tự nhiên hoặc miễn dịch thụ động do tiêm vắc xin phòng ngừa vi rút sởi thì em bé trong bụng cũng được mẹ truyền miễn dịch qua nhau thai. Đến khi ra đời được khoảng 9 tháng tuổi, nồng độ kháng thể đó sẽ giảm bớt thì lúc đó là thời điểm đi tiêm vắc xin cho trẻ.
Nhưng hiện nay, nhiều trẻ mắc sởi ngay cả trước khi tiêm phòng sởi và thậm chí sau khi sinh.“Điều này hoàn toàn bình thường và có thể lý giải do miễn dịch từ mẹ chưa đầy đủ để bảo vệ trẻ, đứa trẻ sinh ra từ những bà mẹ không có kháng thể miễn dịch sởi, hoặc miễn dịch rất ít (bà mẹ chưa từng bị sởi, chưa được tiêm phòng, hoặc tiêm phòng chưa đầy đủ) nên khả năng bảo vệ thấp hoặc có trẻ không được bú mẹ thì cũng không có miễn dịch phòng bệnh”, PGS Trần Minh Điển phân tích.
PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ với Vnexpress: "Hiện nay, chúng tôi đang có đề nghị và khuyến cáo với bộ Y tế có thể ra quyết định để tiêm cho các cháu sớm hơn và có thể là tiêm khi 6 tháng tuổi. Bởi hiện nay do miễn dịch cộng đồng giảm xuống. Đối các bà mẹ ở tuổi sinh đẻ, trước khi có thai nên đi tiêm phòng sởi và rubella”.
Theo báo cáo của sở Y tế Hà Nội, trong 9 tháng năm 2018, Hà Nội ghi nhận 398 trường hợp mắc sởi. Tuy nhiên, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc sở Y tế Hà Nội đánh giá, theo chu kỳ dịch 4 năm/lần, dự báo dịch sởi có thể tiếp tục gia tăng tại Hà Nội trong các tháng cuối năm 2018 và đầu năm 2019. Thêm vào đó, dù tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vắc xin sởi của Hà Nội luôn đạt so với tỷ lệ chung của quốc gia (từ 95%-97%) nhưng hằng năm vẫn còn khoảng 3-5% trẻ không được tiêm vắc xin sởi và đó là đối tượng dễ mắc bệnh.