Cục Y tế dự phòng lên tiếng về dịch tay chân miệng diễn biến phức tạp

Thứ hai, 08 Tháng 10 2018 16:12 (GMT+7)
Dự báo dịch bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng trong thời gian tới do tính chất lây truyền, đặc biệt hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh.

PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng cục Y tế dự phòng (bộ Y tế) chia sẻ với báo Công Lý, tay chân miệng là bệnh do virus lây qua đường tiêu hóa. Bệnh bắt đầu xuất hiện rải rác và gây thành những ổ dịch nhỏ tại Việt Nam từ những năm cuối của thập niên trước. Năm 2011, tay chân miệng đã gây ra dịch lớn trên cả nước với hơn 150 trường hợp tử vong.

Trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 53.529 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố; trong đó 6 trường hợp tử vong tại khu vực phía Nam. Các tỉnh thành ghi nhận số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây như TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng…

Sức khỏe - Cục Y tế dự phòng lên tiếng về dịch tay chân miệng diễn biến phức tạp

Bệnh nhi mắc tay chân miệng ngày càng tăng.

Thống kê từ trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, số ca mắc bệnh tay chân miệng tích lũy từ đầu năm đến nay trên địa bàn là hơn 1.600 ca, dù chưa tăng đột biến nhưng so với cùng kỳ năm ngoái đã tăng gần gấp đôi. Hiện, trung bình mỗi tuần có thêm 30-50 ca mắc mới.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ với Zing: “Thời điểm từ tháng 9 đến tháng 11 là mùa của bệnh sởi và tay chân miệng bùng phát. So với năm 2011 đến nay, số bệnh nhân ở mức trung bình. Song, khoảng 2 tuần cuối tháng 9 và đầu tháng 10, bệnh nhi mắc tay chân miệng và sởi đột ngột tăng mạnh. Đây là thời điểm bắt đầu mùa dịch nên số trẻ nhập viện dự kiến sẽ còn tăng”.

Bệnh viện vỡ trận vì số lượng bệnh nhân tăng nhanh

Theo PetroTimes, tại bệnh viện Nhi đồng 2, phòng Kế hoạch tổng hợp bệnh viện ghi nhận, khoảng 2 tuần cuối tháng 9 đến nay số ca bệnh tay chân miệng gia tăng nhanh chóng. Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 50 bệnh nhân tay chân miệng nhập điều trị nội trú, tăng 13% so với trước đó. Số bệnh nhân điều trị nội trú hiện nay duy trì khoảng 110-120 bệnh nhân, trong đó có một ca phải thở máy. Từ đầu năm đến nay, tại bệnh viện có 2 bệnh nhân tử vong do tay chân miệng (ngụ ở Tây Ninh và Bình Dương).

Để tránh quá tải, bệnh viện Nhi đồng 2 cũng tổ chức sàng lọc bệnh từ phòng khám, đồng thời lập ra bàn khám lọc bệnh nhiễm, để sàng lọc kỹ các trường hợp bệnh nhiễm, xem có cần thiết nhập viện hay không, tránh quá tải.

Tại bệnh viện Nhi đồng Thành phố, số ca nhập viện do bệnh tay chân miệng cũng gia tăng 15% trong khoảng 2 tuần nay. Bệnh viện dự kiến mở rộng thêm 40 giường để điều trị tay chân miệng, phối hợp với các bệnh viện quận, huyện lân cận tổ chức sàng lọc bệnh nhân tại cơ sở, tránh nhập viện không cần thiết.

Sức khỏe - Cục Y tế dự phòng lên tiếng về dịch tay chân miệng diễn biến phức tạp (Hình 2).

Bác sĩ Trương Hữu Khanh khám cho các bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, khoa đang trở nên quá tải khi phải gánh cùng lúc 2 dịch bệnh theo mùa là sởi và tay chân miệng, đặc biệt, số bệnh nhi mắc tay chân miệng nhập viện liên tục. Một số thời điểm, khoa phải tiếp nhận và điều trị hơn 240 bệnh nhi. Do dịch sởi và tay chân miệng không thể ở chung một khoa, ảnh hưởng đến vấn đề chống dịch, bệnh viện buộc phải cải tạo căng tin thành phòng bệnh và kê thêm giường mới đáp ứng đủ lượng bệnh nhi nhập viện gia tăng.

Những ngày qua bệnh viện đã hỗ trợ mì gói, xúc xích, sữa cho các y bác sĩ dùng thêm trong đêm trực. Hơn 50 điều dưỡng, 13 bác sĩ của khoa phải tăng cường công suất làm việc, hạn chế nghỉ phép tối đa. Lịch làm việc của bác sĩ Khanh cũng xáo trộn vì phải đi hỗ trợ chống dịch ở các tỉnh, hội chẩn các ca bệnh nặng, nghi ngờ bệnh nhiễm từ các khoa khác.

"Mùa chống dịch dạy các y bác sĩ trẻ lớn thêm, nhạy bén hơn, sức chịu đựng tăng dần, nhưng vài người quá sức phải ngừng cuộc chiến. Ai cũng nói to hơn vì bệnh vô liên tục, trong phòng nhiều tiếng khóc, bước nhanh hơn vì nhiều bé cần làm gấp, tư duy nhanh hơn vì cần phối hợp hội chẩn, mượn thuốc, xin dụng cụ, bàn giao bệnh", bác sĩ Khanh chia sẻ.

Phân tích chuyên môn của bác sĩ Trương Hữu Khanh cho thấy, nguyên nhân dịch tay chân miệng bùng phát được cho là đến chu kỳ hàng năm song song đó có 2 chủng virus mới nên khiến nhiều trẻ mắc bệnh. Thông thường, thời gian điều trị theo phác đồ cho các bệnh nhi này chỉ từ 4 ngày đến một tuần. Tuy nhiên, lần này bệnh viện phải theo dõi kỹ nên thời gian nằm viện kéo dài hơn. Thời điểm này mới chỉ là đầu mùa dịch, nếu khống chế ở mức trung bình đến cuối tháng 11 dịch sẽ hết.

Mùa dịch tay chân miệng năm nay xuất hiện nhiều ca nặng do có sự thay đổi gien gây bệnh từ B5 sang C4 của chủng Enterovirus 71 (EV71) khiến có nhiều ca mắc hơn và làm gia tăng các ca nặng. Dự báo sang tháng 11, dịch tay chân miệng sẽ tăng cao hơn nữa.

Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu gửi công văn khẩn chống dịch tay chân miệng

Ngày 8/10, thông tin từ sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, sở đã có công văn khẩn gửi trung tâm Y tế dự phòng, trung tâm Truyền thông-Giáo dục sức khỏe, các bệnh viện, phòng Y tế và trung tâm Y tế các huyện, thành phố, thị xã yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng.

Sở Y tế yêu cầu trung tâm Y tế dự phòng tổng hợp tình hình dịch bệnh từ đầu năm 2018 đến nay, phân tích dịch tễ bệnh xác định yếu tố nguy cơ, vùng nguy cơ, dự báo dịch. Đồng thời, hướng dẫn nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị tuyến huyện giám sát, xử lý ca bệnh, ổ dịch kịp thời, không để bùng phát, lan rộng.

Nguồn: Phong Linh - (nguoiduatin.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe