Nhà có 9 người mắc ung thư: Quyết “đánh đu” với tử thần, bình tĩnh sống

Thứ tư, 10 Tháng 10 2018 09:41 (GMT+7)
Tám anh chị em và người mẹ trong một gia đình cùng mắc ung thư, cùng “đánh đu” với tử thần. Không còn nước mắt để khóc, không còn thời gian để ôm sầu muộn, các thành viên quyết tâm chống chọi, động viên nhau vượt qua bệnh tật. Hễ ai biết phương thuốc gì tốt là lại mách người kia để cùng vượt lên số phận.

Chuyện không nhưng có thật

Câu chuyện về 7 anh chị em trong gia đình ông Phạm Duy Vinh (SN 1968, tại Ninh Giang, Hải Dương) bị ung thư trực tràng giống người mẹ và một người bị ung thư gan khiến nhiều người không khỏi xót xa. Có lẽ đây là gia đình “đặc biệt”  nhất từ trước đến nay. Nhận bệnh án, ai cũng ngờ ngàng, không biết có phải mình đang cầm nhầm của anh/chị/em trong nhà không.

Sức khỏe - Nhà có 9 người mắc ung thư: Quyết “đánh đu” với tử thần, bình tĩnh sống

Căn nhà nơi ông Phạm Duy Vinh sống.

Cho đến bây giờ, ông Phạm Duy Vinh vẫn không thể quên được gương mặt của những người anh, người em mình khi nghe bác sĩ kết luận cùng chung một bệnh – ung thư trực tràng. Ông Vinh nhớ lại: “Đầu năm 2017, tôi thấy cơ thể mình có nhiều thay đổi. Tôi thường xuyên đi ngoài ra máu, do chủ quan không để ý nên tôi không đi khám cũng như thuốc thang gì. Cho đến tháng Ba không thể chịu được vì sức khỏe yếu hơn, vợ con cùng mấy anh chị em trong nhà có giục tôi đi khám. Tôi đến bệnh viện K Tân Triều (Hà Nội) khám và được bác sĩ chỉ định phẫu thuật khối u ở đại trực tràng. Tôi sững người vì ung thư trực tràng thì giống mẹ tôi, bà đã ra đi vì căn bệnh này. Người anh trai cả cũng đã mất vì ung thư gan. Thấy tôi bị như vậy, mấy anh chị em trong nhà ai cũng lo lắng và hỏi triệu chứng. Hỏi ra mới biết, mấy anh chị em ai cũng thường xuyên lâm râm đau bụng và đại tiện ra máu, những dấu hiệu này đã kéo dài khá lâu. Và cũng trong năm 2017, bốn anh chị em cũng lần lượt phát hiện và phải nhập viện điều trị cùng căn bệnh ung thư trực tràng. Bị cùng một bệnh mà lại là căn bệnh ung thư khiến đại gia đình tôi lao đao. Đàn ông dù không khóc nhưng đều lặng thinh, còn chị và em gái tôi chỉ biết ôm nhau vì tai họa giáng xuống đầu”.

Sức khỏe - Nhà có 9 người mắc ung thư: Quyết “đánh đu” với tử thần, bình tĩnh sống (Hình 2).

Ông Vinh mắc căn bệnh ung thư trực tràng.

Cầm kết quả trên tay, 7 anh chị em trong gia đình ông Vinh không tin đó là sự thật. Bởi, từ lâu, căn bệnh ung thư đã trở thành nỗi ám ảnh của gia đình. Mẹ ông cũng vì nó mà qua đời, nhà có 9 anh chị em, 4 con trai và 5 con gái thì tới nay tính cả ông Vinh đã có tới 7 người mắc bệnh ung thư trực tràng đang điều trị, tái khám tại bệnh viện K.

Gạt nước mắt, cô Phạm Thị Mùi (em gái ông Vinh) tâm sự: “Tôi mổ cùng tháng với anh Vinh nhưng sức khỏe dường như chưa được ổn định. Giờ đi đâu người ta cũng hỏi han vì sao lại mắc bệnh? Sao lại có đến 7 anh chị em cùng mắc một bệnh? Hỏi xong họ quay ra bàn tán. Quả thực, chúng tôi cũng chỉ biết bác sĩ kết luận căn bệnh này mang yếu tố gia đình dù rất ít gặp. Nhiều lúc buồn chán, tôi nghĩ quẩn, nhưng khi nghĩ về các con, chồng, người thân nên tôi cố gắng chống chọi từng ngày và mong các anh chị em mình cũng thật cố gắng”.

Nắm tay nhau vượt qua bệnh hiểm nghèo

Khi được nhiều người hỏi vì sao mắc bệnh, cô Mùi chỉ biết nói kết luận của bác sĩ rồi đi vào nhà. Bởi, 9 anh chị em cô đều đã xây dựng gia đình, mỗi người ở một nơi, thói quen ăn uống, sở thích cũng khác nhau nên cô không biết phải trả lời sao cho mọi người hiểu. Cô Mùi nhớ, ngày nhỏ, 9 anh chị em dù sống khó khăn, vất vả nhưng đều vui vẻ, hạnh phúc. Khi lập gia đình, mỗi người có một cuộc sống riêng nhưng vẫn yêu thương, đùm bọc nhau. Giờ mẹ và anh cả đã mất, 7 anh chị em bị bệnh hiểm nghèo, họ đều hiểu giá trị của tình thân ruột thịt quan trọng như thế nào.

Cũng theo ông Vinh, từ ngày bị bệnh, 7 người trong gia đình thường xuyên gặp nhau hơn, họ chia sẻ về bệnh tật dần lấy lại tinh thần. “Bảy anh chị em chúng tôi đã được mổ để loại bỏ khối u. Tôi và cô em gái cùng mổ một tháng và hiện thường xuyên phải đi truyền hóa chất, xạ trị. Anh chị em, họ hàng hai bên ai cũng nghèo khó nên cũng không giúp đỡ nhau được là bao. Chỉ biết động viên tinh thần để cố gắng sống thôi. Mỗi khi thấy ai mách thuốc gì hay, có hy vọng thì một người sẽ đi lấy cho cả 7 người uống, hoặc rủ nhau đi cùng. Chúng tôi đều biết, gia đình mình “đặc biệt” nên cũng phải đồng lòng để cùng nhau cố gắng. Buông xuôi có nghĩa là chấm hết, vì thế, 7 anh chị em dặn nhau phải tươi cười, vui vẻ. Bệnh tật có chừa ai đâu và cũng không ai mong muốn, nên mình cứ coi như không biết”, ông Vinh rơm rớm nước mắt.

Số phận càng trở nên trớ trêu khi vợ ông Vinh cũng mắc bệnh ung thư máu. Một lần nữa, gia đình ông Vinh lại rơi vào cảnh lao đao. “Biết được tin vợ tôi bị ung thư máu, anh chị em trong gia đình lại gọi điện, đến thăm để động viên. Mấy chị em gái thì chỉ biết ôm nhau khóc, còn tôi nhiều khi ngồi một góc, nghĩ về tương lai của các con, các cháu”, ông Vinh tâm sự.

Chia sẻ với PV, ông Vũ Văn Vương (Chủ tịch UBND xã Văn Hội, Ninh Giang, Hải Dương) cho biết: “Gia đình ông Vinh khá “đặc biệt”,  7 anh chị em cùng mắc một căn bệnh hiểm nghèo, vợ ông Vinh mới đây còn bị ung thư máu. Chỉ duy nhất chú em út đang làm việc ở nước ngoài là không bị bệnh. Về phía địa phương, chúng tôi cũng có phương án tối ưu nhất để hỗ trợ vì vợ chồng ông Vinh sức khỏe yếu chưa thể lao động được”.

Nói về trường hợp bệnh của gia đình ông Vinh, TS. Phạm Văn Bình, Trưởng khoa Ngoại bụng 1, bệnh viện K T.Ư cơ sở Tân Triều cho hay, tất cả những trường hợp trên là hội chứng đa polyp gia đình do đột biến gene APC, có thể truyền từ bố mẹ sang con. Đây là một loại gene có vai trò ức chế sự hình thành của khối u sinh ra ở đại tràng và có sự đột biến, nó chiếm 1% ung thư đại trực tràng. Chính vì thế, khi gia đình có người mắc bệnh, để xác định mình có bị đa polyp hay không, những người trong gia đình nên nội soi đại trực tràng ống mềm để bác sĩ đánh giá toàn bộ khung đại trực tràng cũng như có thể điều trị sớm bệnh.

Nguồn: Mai Thu - (nguoiduatin.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe