Phương pháp phẫu thuật mới đã được nhóm nghiên cứu thử nghiệm trên 9 bệnh nhi hở hàm ếch trong 10 năm qua và đều cho kết quả tốt, khi tái tạo thành công phần xương mới giúp lấp kín khe hở bẩm sinh giữa hàm miệng và khoang mũi cho các bé. Điển hình là ca phẫu thuật cho một bé gái được phát hiện thiếu một phần xương hàm trên qua hình ảnh siêu âm lúc còn trong bụng mẹ.
Ngay khi chào đời, máu từ dây rốn của bệnh nhi được lấy và trữ đông. Nhóm nghiên cứu lấy máu dây rốn bởi đó là một nguồn giàu tế bào gốc - loại tế bào có tiềm năng phát triển thành xương và các mô khác. Khi em bé được vài tháng tuổi, phần mô mềm ở hàm trên của bé được giữ cố định bằng một dụng cụ giống như vòng nẹp răng của nha sĩ. Đến 5 tháng tuổi, bé trải qua phẫu thuật chỉnh sửa phần môi bị sứt, giúp khôi phục hình dạng môi trên. Cùng lúc đó, các bác sĩ tiêm tế bào gốc lấy từ máu dây rốn đã rã đông vào khu vực thiếu xương hàm được nẹp cố định trước đó để chúng phát triển từ từ.
Quy trình phẫu thuật mới được chứng thực thành công khi phần xương tại vị trí tiêm tế bào gốc ở hàm trên đã phát triển và mọc răng bình thường vào lúc bé gái được 5 tuổi. Theo nhóm nghiên cứu, phương pháp tiêm tế bào gốc từ dây rốn có thể giúp giảm số ca phẫu thuật mà bệnh nhi hở hàm ếch cần thực hiện.
Được biết, hở hàm ếch là dị tật bẩm sinh, với tỷ lệ ảnh hưởng 1/700 trẻ. Một trong các phương pháp điều trị hiện nay là lấy xương tự thân (như hông) để ghép vào miệng, nhưng cách làm này thường đi kèm nguy cơ biến chứng và ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.