Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết, thực hiện Chương trình hành động số 1379/CTr-BYT ngày 19.12.2017 của Bộ Y tế triển khai Đề án Xây dựng và Phát triển mạng lưới y tế cơ sở theo Quyết định số 2348/QĐ-TTg giai đoạn 2018 – 2020, Bộ Y tế đã tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát tại 26 xã điểm thuộc 8 tỉnh (Hà Nội, TP HCM, Khãnh Hòa, Lâm Đồng, Long An, Hà Tĩnh, Yên Bái và Lào Cai) do lãnh đạo Bộ chủ trì với sự tham gia của đại diện các Vụ/Cục thuộc Bộ Y tế, Viện Chiến lược Chính sách y tế và đại diện của BHXH Việt Nam.
Tiêm chủng tại TYT phường Tây Mỗ (Hà Nội)
Báo cáo tổng hợp đợt giám sát cho thấy, các TYT xã còn rất nhiều tồn tại. Hiện chỉ có 13/29 TYT xã (44,8%) có đủ nhân lực theo quy định. Chức danh hiện còn thiếu nhiều nhất tại các TYT xã là y học cổ truyền (9/16 xã, chiếm 56,3%), tiếp đến là bác sĩ (3/16 xã, chiếm 18,8%),... Kết quả này cho thấy cần bổ sung số lượng và hỗ trợ đào tạo nâng cao về kiến thức, kỹ năng chuyên môn cho các TYT xã, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo định hướng ưu tiên của ngành.
Tại phần lớn các TYT xã, cán bộ tại trạm còn thiếu các chứng chỉ hành nghề theo quy định để cung cấp dịch vụ và được bảo hiểm y tế thanh toán. Phần lớn cán bộ chưa được đào tạo và cấp chứng chỉ về nguyên lý y học gia đình. Điều này đòi hỏi Bộ Y tế nhanh chóng phối hợp với các tỉnh và dự án HPET triển khai ngay chương trình đào tạo bổ sung cho các xã để sớm thực hiện mô hình điểm.
Về cơ sở hạ tầng và bố trí các phòng chức năng, việc bố trí riêng các phòng khám (thông thường, BHYT, BSGĐ) chưa hợp lý theo nguyên lý y học gia đình. Các phòng sắp xếp chưa tạo liên hoàn, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh.
Thực tế cho thấy số ca đẻ tại trạm y tế xã ít, chủ yếu là khám thai, khám phụ khoa, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, do vậy cần rà soát lại để bố trí công năng phòng ốc, phân loại hoạt động ưu tiên,… phù hợp với thực tế.
Bên cạnh danh mục còn thiếu, nhiều TTB đã cũ, hỏng không sử dụng được. Trang thiết bị phục vụ khám thai, khám phụ khoa, cân trẻ… đã cũ, nhiều trang thiết bị han rỉ không sử dụng được.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đến kiểm tra TYT xã Minh Châu (Ba Vì, Hà Nội) - TYT được chọn làm mô hình điểm vào tháng 5.2018
Danh mục số lượng thuốc BHYT ở trạm y tế rất ít (thiếu nhiều loại thuốc). Trung bình mỗi xã chỉ đạt 30% sẵn có thuốc tại TYT theo thông tư 39. Đây cũng là rào cản ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh nhân tìm đến các bệnh viện huyện, không chọn TYT xã. Nguyên nhân các TYT xã hạn chế thuốc là do: Trạm không có bác sỹ nên hạn chế sử dụng các loại thuốc; Không có bệnh nhân nên không dự trù; Một số loại thuốc huyết áp tiểu đường không được cho phép điều trị, trạm không được cung cấp (một số loại thuốc tiêm trong danh mục); Không có trong danh mục thuốc trúng thầu; Đã có loại thuốc thay thế nên không đề xuất.
Tỷ lệ người dân tham gia BHYT của các xã điểm đạt gần 80%, trong đó đăng ký KCB ban đầu tại TYT đạt trên 62%, có 16/24 TYT (66,7%) thực hiện KCB BHYT. Tuy nhiên, việc phân bổ nguồn thanh toán BHYT và cơ chế thanh toán chi phí KCB tại TYT còn nhiều tồn tại, bất cập và cũng là bất cập chung không chỉ ở các xã điểm mà càn của cả hệ thống y tế cơ sở trong cả nước. Đây là vấn đề nổi cộm cần được giải quyết dứt điểm bằng một cơ chế mới vê phương thức thanh toán (khoán định suất) hoặc cơ chế đặt hàng giao nhiệm vụ.
Tỷ lệ suất toán BHYT khá cao diễn ra ở nhiều TYT xã do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến kê đơn thuốc không hợp lý do trình độ hạn chế, kế đơn thuốc mà chưa có chứng chỉ hành nghề, hoặc đã có chứng chỉ nhưng không được công nhận phù hợp cho thanh toán BHYT. Ví dụ trường hợp của các xã Ninh Quang, Ninh Sơn, TT Ninh Hoà, Khánh Hoà đã bị xuất toán nhiều chục triệu tiền xét nghiệm vì không có chứng chỉ hành nghề là cử nhân xét nghiệm. Trạm Ninh Quang thâm chí đã có 1 NHS đã đi học xét nghiệm 4 tháng tại BV tỉnh (có chứng chỉ) nhưng không chấp nhận được thanh toán. Bên cạnh đó là các lỗi thông thường vẫn xảy ra ảnh hưởng đến thanh toán BHYT như chỉ định sai danh muc thuốc, vật tư, sai mã thẻ…
Tỷ lệ trung bình một xã thực hiện được 64,3% danh mục các kỹ thuật so với 76 dịch vụ trong TT 39. Trong số đó, có những xã đạt dưới 50% như Cốc Mỳ (Lào Cai), Yên Nghĩa (Hà Nội), Ninh Sơn (Khánh Hòa)... Nguyên nhân số dịch vụ kỹ thuật còn thấp bao là do TYT xã thiếu nhân lực: thiếu bác sỹ, thiếu cán bộ y học cổ truyền, thiếu xét nghiệm; Cán bộ chưa được đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề theo qui định để có thể khám chữa bệnh BHYT; Chưa có trang thiết bị (đông y, các xét nghiệm…); Không có bệnh nhân (do gần trung tâm y tế huyện); Vượt trần quỹ khám chữa bệnh tại trạm nên BHXH không thanh toán các dịch vụ, nên TYT không thực hiện kỹ thuật
Số lượt khám bệnh ở các xã (tính từ đầu năm đến lúc kiểm tra vào tháng 5-tháng 7.2018) trong năm cũng có sự chênh lệch rõ rệt. Nếu như ở TYT xã Ninh Quang (thị xã Ninh Hòa ,tỉnh Khánh Hòa) có đến 10.320 lượt bệnh nhân từ đầu năm, TYT phường Ninh Hà (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) có 4.893 lượt khám, TYT xã Mường Vi (Bát Xát, Lào Cai) có 5.675 lượt.... Thì TYT xã Sơn Diêm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) chỉ có 473 lượt; xã Minh Châu (Ba Vì, Hà Nội) chỉ có hơn 789 lượt. Và cá biệt như TYT phường Tây Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chỉ có 176 lượt.
Có thể nhận thấy, vùng 1 có xu hướng ít bệnh nhân đến khám chữa bệnh hơn các vùng còn lại. Điều này được giải thích các TYT xã vùng 1 gần với các bệnh viện huyện, tỉnh, và các TYT này cũng có xu hướng tập trung nhiều hơn vào công tác dự phòng. Đối với vùng 2 và vùng 3, số lượng khám chữa bệnh cao hơn.
Với kết quả khảo sát trên, đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính cho rằng, để 26 TYT xã phường trở thành "mô hình điểm" về công tác chăm sóc sức khỏe người dân tuyến cơ sở thì địa phương cần phải tập trung phát triển nhân lực; Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, công nghệ thông tin, thuốc cho các TYT; Tăng cường hoạt động chuyên môn kỹ thuật; Khắc phục các vướng mắc trong cơ chế tài chính cần giải pháp đồng bộ rà soát điều chỉnh các chính sách về khám chữa bệnh, tài chính, bảo hiểm y tế. |