Dễ chẩn đoán nhầm
Bệnh Leptospirosis lây truyền từ động vật (nhiễm xoắn khuẩn), xâm nhập cơ thể người qua da, đặc biệt chỗ da bị xước hoặc qua niêm mạc. Đây là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B. Bệnh nguy hiểm, có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.
Bác sĩ Trần Văn Phúc (đứng) trình bày thực trạng chẩn đoán, điều trị bệnh Leptospirosis tại Hội nghị. Ảnh: H.HOA
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính mỗi năm Việt Nam có 20.000-30.000 ca Leptospirosis. Tuy nhiên, theo niên giám thống kê bệnh truyền nhiễm, năm 2017, cả nước chỉ có 17 ca, năm 2016, có 9 ca. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS.TS) Trần Như Dương, Phó Giám đốc dự án ECOMORE II, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, số lượng nhiễm Leptospirosis giữa các nghiên cứu ở bệnh viện và niên giám thống kê bệnh truyền nhiễm chênh lệch rất lớn. Số ca bệnh được chẩn đoán, thống kê và báo cáo ngày càng ít. Chứng tỏ bệnh này đang bị cộng đồng và các cán bộ y tế lãng quên. Từ đó, các nhà hoạch định chính sách không coi bệnh Leptospirosis là vấn đề y tế công cộng cần quan tâm.
Theo bác sĩ Trần Văn Phúc, Trưởng Khoa Bệnh truyền nhiễm, Bệnh Viện Đa khoa TP Cần Thơ, bệnh Leptospirosis bị lãng quên do nhiều nguyên nhân. Trong đó, trên 70% người nhiễm Leptospirosis có thể tự khỏi. Khi có triệu chứng bệnh, bệnh nhân thường đến bác sĩ tư, bệnh viện quận, huyện. Ở đây không có bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm, chỉ có bác sĩ đa khoa, ít được cập nhật về bệnh này nên đa số bệnh nhân bị chẩn đoán nhầm thành sốt không rõ nguyên nhân, nhiễm trùng huyết, viêm gan… Dù chẩn đoán nhầm nhưng bệnh này đáp ứng với kháng sinh. Nếu chẳng may diễn tiến nặng, chuyển lên tuyến trên, với máy thở, lọc máu… có thể điều trị khỏi cho bệnh nhân. Tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, đa số tiếp nhận bệnh nhân tuyến tỉnh chuyển lên khi đã có biến chứng. Các cận lâm sàng, xét nghiệm không sẵn có để chẩn đoán mà chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của bác sĩ, nghi ngờ lấy mẫu chuyển Trung tâm y tế dự phòng, Viện Pasteur. Theo PGS.TS Trần Như Dương, qua làm việc với một số bệnh viện, hầu như các bệnh viện không làm xét nghiệm, không phát hiện ca bệnh Leptospirosis.
Triển khai dự án
Theo PGS.TS Trần Như Dương, dự án ECOMORE II tập trung vào vấn đề y tế của khu vực, các bệnh truyền nhiễm đang nổi lên. Các nước như Lào, Campuchia và Philippines nghiên cứu về bệnh sốt xuất huyết. Trong đó, Việt Nam và Myanmar tập trung nghiên cứu “Thực trạng nhiễm Leptospirosis tại Việt Nam, vai trò của thực hành nông nghiệp và một số yếu tố khí hậu đến tỷ lệ nhiễm”.
Khi nói đến vai trò thực hành nông nghiệp và một số yếu tố khí hậu đến tỷ lệ nhiễm, PGS.TS Trần Như Dương lý giải: Leptospirosis có trong nước hoặc đất ẩm ướt đã bị ô nhiễm nước tiểu động vật hoang dã và động vật nuôi gần người như trâu, bò, lợn, chuột… bị nhiễm Leptospirosis. Khi có biến đổi khí hậu, lũ lụt, Leptospirosis lan tràn ra, gây dịch bệnh ở người.
Dự án ECOMORE II tập trung vào các mục tiêu chính: đưa ra số liệu thực nhiễm Leptospirosis ở các cơ sở khám chữa bệnh; tăng cường năng lực xét nghiệm, chẩn đoán cho cán bộ y tế; tăng cường hợp tác liên ngành giữa thú y và y tế… Đặc điểm phân nhóm huyết thanh gây bệnh Leptospirosis trên người ở 3 khu vực: Bắc, Trung, Nam.
Dự án được triển khai tại 3 tỉnh, thành: Thái Bình, Cần Thơ và Hà Tĩnh. Tại Cần Thơ, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố làm đầu mối. Thời gian thực hiện từ tháng 10-2018 đến tháng 10-2019.
Tại Cần Thơ, dự án triển khai lấy mẫu máu bệnh nhân trên 5 tuổi, sinh sống trên địa bàn TP Cần Thơ và đến khám, điều trị tại các bệnh viện Đa khoa thành phố, Nhi đồng, Thốt Nốt và Trung tâm Y tế huyện Phong Điền có triệu chứng như sốt hoặc có tiền sử sốt 5 ngày trước và có ít nhất 2 trong các triệu chứng như mắt đỏ xung huyết 2 bên, đau cơ bắp chân 2 bên, đau đầu, vàng da. Mẫu máu được xét nghiệm để chẩn đoán chính xác bệnh nhân có mắc Leptospirosis. Dự kiến 1.300 mẫu.
Ở động vật, lấy mẫu xét nghiệm trên 3 loại: chó, lợn, trâu/bò. Mỗi loại lấy 100-120 mẫu. Chi cục Thú y TP Cần Thơ hỗ trợ xác định khu vực lấy mẫu và cử cán bộ tham gia lấy mẫu.