Ảnh: Medical News Today
Nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Jie Zhou dẫn đầu tại Bệnh viện Phụ nữ Brigham ở Boston đã phân tích mức độ đau đớn từ lúc bắt đầu lâm bồn đến khi xuất viện của hơn 4.300 phụ nữ lần đầu làm mẹ, sinh thường hoặc sinh mổ trong giai đoạn 2015-2017. Một tuần sau khi sinh, điểm số đau của các bà mẹ được đối chiếu với thang điểm đánh giá trầm cảm sau sinh Edinburgh. Kết quả cho thấy trầm cảm sau sinh xuất hiện phổ biến hơn ở những mẹ có điểm số về cơn đau sau sinh cao hơn, thường xuyên than đau và cần thêm thuốc giảm đau (phần lớn là sản phụ sinh mổ).
Các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng đau do sinh con có thể tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh, nhưng không rõ giai đoạn nào (trước, trong hoặc sau sinh) là nguồn cơn của vấn đề. Phát hiện trên cũng xác định thêm một yếu tố nguy cơ lớn gây trầm cảm sau sinh, bên cạnh các yếu tố khác như béo phì/thừa cân, tiền sử mắc trầm cảm, đau mãn tính hoặc sinh con nhẹ ký.
Trong một nghiên cứu khác, các nhà khoa học Canada cho biết phụ nữ bị hen suyễn khi mang thai cũng dễ bị trầm cảm sau sinh. Theo đó, Lucie Blais và các cộng sự tại Đại học Montreal so sánh tiền sử sức khỏe của hơn 35.000 thai phụ bị hen suyễn và gần 200.000 “bà bầu” không bị hen suyễn. Sau khi xem xét các yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như tiền sử trầm cảm, nhóm nghiên cứu nhận thấy thai phụ bị hen suyễn có nguy cơ trầm cảm sau sinh cao hơn 58% so với chị em không mắc bệnh hô hấp này. Nguyên nhân có thể do tình trạng hen suyễn khiến họ lo âu và căng thẳng nhiều hơn hoặc do viêm nhiễm. Phát hiện này giúp các bác sĩ nhận diện và hỗ trợ kịp thời cho những thai phụ bị hen suyễn nhằm giảm thiểu nguy cơ trầm cảm trước khi sinh nở.
Được biết, cứ 9 phụ nữ thì có 1 người bị trầm cảm sau sinh, với các triệu chứng bao gồm thiếu sức sống, buồn bã, lo âu, dễ khóc, hay nổi nóng và thay đổi thói quen ngủ nghỉ và ăn uống, ảnh hưởng sức khỏe.