Dịch tay chân miệng tiếp tục hoành hành ở TP.HCM, nguy cơ bùng phát tại Hà Nội

Thứ sáu, 19 Tháng 10 2018 10:57 (GMT+7)
Các bệnh viện ở TP.HCM đã quá tải do số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị quá đông. Ở Hà Nội, tuy dịch sốt xuất huyết đã có dấu hiệu thuyên giảm nhưng dịch tay chân miệng (TCM) và sởi thì lại có nguy cơ bùng phát.

Tình hình dịch TCM diễn biến dịch bệnh vô cùng phức tạp tại TP.HCM

Thời gian này, các bệnh viện lớn, đầu ngành trên địa bàn TP.HCM thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải. Dịch TCM bùng phát càng khiến tình trạng này thêm trầm trọng.

Theo ghi nhận của báo Dân sinh, tại bệnh viện Nhi đồng 1 và bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, số phòng, giường bệnh không đủ nên phải để 3, 4 bệnh nhân nằm chung một giường. Tất cả các lối ngoài hành lang cũng được tận dụng đặt giường bệnh để cho bệnh nhân nằm, xung quanh là chiếu, hành lý nhan nhản của người nhà nằm chăm sóc bệnh nhi. Chỉ trong 30 phút đã có gần 10 bé nhập viện để điều trị bệnh TCM, đội ngũ y, bác sĩ và điều dưỡng viên làm việc không ngừng nghỉ.

Theo số liệu thống kê từ bệnh viện Nhi đồng 1 TP. HCM, trong 9 tháng đầu năm 2018 có 2.180 ca bệnh tay chân miệng nhập viện, trong đó số bệnh nhân đến từ các tỉnh chiếm khoảng 60%.

Cùng với bệnh nhân, người nhà tận dụng hết mọi khoảng trống trong bệnh viện để nghỉ ngơi. Các hành lang, cầu thang đều chật kín, người dân trải chiếu nằm vật vờ để chăm sóc con nhỏ.

Sức khỏe - Dịch tay chân miệng tiếp tục hoành hành ở TP.HCM, nguy cơ bùng phát tại Hà Nội

Các giường bệnh được bố trí nằm san sát nhau, nhiều khi chắn ngang cả lối đi lại khiến không gian trở nên ngột ngạt (ảnh: Dân sinh).

Trao đổi với báo chí, bác sĩ Nguyễn Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết: “Từ tháng 9 đến nay là thời gian bệnh sởi và TCM bùng phát, cuối tháng 9 và đầu tháng 10, bệnh nhi mắc TCM và sởi đột ngột tăng mạnh. Hiện nay bệnh dịch TCM vẫn chưa được giảm hẳn, diễn biến khó lường nên người dân cần chăm sóc trẻ cẩn thận, đảm bảo vệ sinh an toàn không để virus xâm nhập”.

Hà Nội ráo riết ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch sởi và TCM

Theo thông tin của Sở Y tế Hà Nội được đăng tải trên TTXVN, từ đầu năm 2018 đến ngày 9/10, toàn thành phố ghi nhận 409 trường hợp mắc sởi (tăng 125 ca so với cùng kỳ năm 2017) và 1.742 ca TCM (tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2017), chưa có trường hợp tử vong, chưa ghi nhận ổ dịch lớn.

Ngày 15/10 Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung đã ký văn bản khẩn gửi các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc ngành, cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn yêu cầu đảm bảo cung ứng đủ thuốc phòng chống bệnh TCM.

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh chủ động đề xuất phương án cung ứng thuốc, liên hệ với đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc và chuẩn bị sẵn sàng cơ số phòng chống dịch bệnh. Đồng thời thường xuyên cập nhật diễn biến mô hình bệnh tật để phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị tại cơ sở, đảm bảo không xảy ra thiếu thuốc cho công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là phòng và điều trị bệnh TCM trên địa bàn.

Đối với các cơ sở kinh doanh thuốc, Sở Y tế yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng nguồn thuốc chất lượng, giá thành hợp lý để ưu tiên cung ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu phòng chống dịch bệnh.

Sức khỏe - Dịch tay chân miệng tiếp tục hoành hành ở TP.HCM, nguy cơ bùng phát tại Hà Nội (Hình 2).

Các bậc phụ huynh nên chủ động đưa con đi tiêm phòng sớm (ảnh: An ninh thủ đô).

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết dịch sởi cho đến nay vẫn nằm trong tầm kiểm soát, các ca bệnh đều được phát hiện sớm và khoanh vùng xử lý kịp thời. Tuy nhiên, ông Hạnh cũng lưu ý rằng theo chu kỳ dịch 4 năm/lần, dự báo bệnh sởi có thể tiếp tục gia tăng tại Hà Nội trong các tháng cuối năm 2018 và đầu năm 2019. Trong 3 tháng cuối năm 2018, thành phố sẽ triển khai tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ.

Đối với các dịch bệnh chưa có vắc xin phòng ngừa và thuốc đặc trị như sốt xuất huyết và TCM, chính quyền thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền vào giáo dục người dân chủ động phòng bệnh, tiến hành vệ sinh môi trường, diệt các loại sâu bọ truyền nhiễm và giữ vệ sinh cá nhân để đảm bảo sức khỏe cho gia đình đặc biệt là trẻ em.

Sở sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh và chủ động tham mưu UBND thành phố các biện pháp phòng chống dịch bệnh; thực hiện tốt công tác cấp cứu điều trị cho người mắc bệnh.

Nguồn: Tôn Vỹ - (nguoiduatin.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe