Bác sĩ Hồ Thanh Út tư vấn cho gia đình và trẻ. Ảnh: H.HOA
Hẹp bao quy đầu là hẹp lỗ mở của bao quy đầu làm cho bao quy đầu không thể tách rời khỏi quy đầu. Hầu hết bé trai sinh ra đều có bao quy đầu dài và hẹp. Theo các nghiên cứu, 96% bé trai bị hẹp bao quy đầu, nhưng đến 1 tuổi tỷ lệ này giảm dần còn 50%, 3 tuổi còn 10% và dậy thì chỉ còn 1%. Tức là hẹp bao quy đầu sinh lý, theo thời gian có thể từ từ tuột lên. Tuy nhiên, khoảng thời gian này khá dài và nếu không được chăm sóc, vệ sinh đúng cách, nước tiểu đọng lại, nguy cơ bị viêm đường tiết niệu. Nếu không chăm sóc, vệ sinh tốt, tình trạng viêm tái đi tái lại nhiều lần.
Theo bác sĩ Hồ Thanh Út, chuyên khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện Quốc tế Phương Châu: “Hẹp bao quy đầu trẻ nhỏ nếu không điều trị có thể dẫn đến viêm đường tiết niệu tái đi tái lại, ảnh hưởng chức năng thận, suy thận, gây khó khăn trong quan hệ tình dục sau này và thậm chí dẫn tới ung thư dương vật. Hiện nay, hẹp bao quy đầu có nhiều phương pháp điều trị như: Chăm sóc, vệ sinh tại nhà; thoa corticoid tại chỗ; nong bao quy đầu và cắt bao quy đầu. Trong đó, phương pháp chăm sóc đơn giản, hiệu quả, ít đau, không tốn kém và không ảnh hưởng gì đến trẻ”.
Khi chăm sóc, vệ sinh tại nhà không cải thiện, bác sĩ sẽ chuyển sang nong bao quy đầu. Bác sĩ thoa thuốc tê tại chỗ và dùng tay nong da quy đầu. Đây là thủ thuật an toàn, ít xâm lấn, bảo tồn da quy đầu. Phương pháp đơn giản này đã được kiểm chứng tại Bệnh viện Quốc tế Phương Châu qua đề tài “Đánh giá hiệu quả của nong bao quy đầu trong điều trị hẹp bao quy đầu ở trẻ em tại Bệnh viện Quốc tế Phương Châu từ ngày 01/03/2016 đến 31/03/2018”. Qua nong, trên 92% trẻ đến khám tại Bệnh viện Quốc tế Phương Châu hết hẹp bao quy đầu.
Cần tư vấn của bác sĩ
80% các ca ung thư dương vật là do hẹp bao quy đầu và không được chăm sóc, vệ sinh đúng cách. Từ đó, chất cặn bã tích tụ ở bao quy đầu, qua nhiều năm gây ung thư dương vật. Chính vì vậy, khi phát hiện trẻ bị hẹp bao quy đầu, gia đình nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa tiết niệu để được tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc đúng cách.
Trong thực tế tại phòng khám, bác sĩ Hồ Thanh Út gặp nhiều bệnh nhi bao quy đầu viêm tái đi tái lại thành vòng xơ nhiều thì chỉ còn giải pháp phẫu thuật cắt bao quy đầu. Nhưng cũng có những phụ huynh chủ động đưa con đi cắt bao quy đầu khi cháu mới 4-5 tuổi thì không tốt. Theo bác sĩ Hồ Thanh Út, không nên chủ động cắt bao quy đầu. Vì cắt bao quy đầu có nhiều yếu tố nguy cơ như chảy máu, nhiễm trùng, những vấn đề liên quan đến gây mê…, chỉ khi không còn giải pháp nào mới chọn phẫu thuật cắt bao quy đầu. Điều trị bảo tồn da quy đầu bằng chăm sóc, vệ sinh tại nhà vẫn là giải pháp tốt nhất cho trẻ.
Vai trò của các bậc phụ huynh rất quan trọng, chăm sóc bao quy đầu của trẻ ngay từ lúc mới sinh, mỗi lần tắm cho con, dùng tay nhẹ nhàng kéo da quy đầu lên mỗi ngày một ít và phải vệ sinh bao quy đầu sau mỗi lần bé tiểu, khi thay tã. Chăm sóc được như thế thì hầu hết bao quy đầu của bé đều tuột lên được tới rãnh, không cần phải can thiệp bất kỳ thủ thuật nào.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị hẹp bao quy đầu: Trẻ nhỏ rặn quấy khóc đỏ mặt mỗi lần tiểu hoặc trẻ hay đưa tay sờ bộ phận sinh dục do ngứa và viêm nhiễm. Khi đi tiểu thấy bao quy đầu phồng lên. Nhiều chất bợn trắng (Smegma) trong bao quy đầu. Dùng tay không thể tuột bao quy đầu lên được hoặc tuột lên ít không tới rãnh quy đầu. Rất nhiều bé trai không có những dấu hiệu trên và các bà mẹ cho rằng bé đi tiểu bình thường nhưng khi khám sức khỏe, bác sĩ phát hiện bao quy đầu hẹp và rất nhiều chất bợn trắng trong bao quy đầu.