Theo bác sĩ Hoàng Cương (bệnh viện Mắt Trung ương), ngoài các phẫu thuật mí đôi, lấy mỡ, nâng cung mày… đường ngoài hoặc có laser trợ giúp, vốn đã khá kinh điển. Gần đây nổi lên hai kỹ thuật mới để tăng thẩm mỹ tại mắt, đó là: Tiêm chất làm đầy filler và khâu chìm nhấn mí đôi. Tuy nhiên, tại bệnh viện Mắt Trung ương và một số trung tâm Mắt tại TP.HCM đã phải tiếp nhận và xử lý các biến chứng có liên quan đến hai loại dịch vụ nói trên, nhẹ có, nặng có, mù lòa cũng có.
Biến chứng do kim khâu nhấn mí, tiêm filler
Bệnh nhân V.T.L. (24 tuổi) vào khoa Chấn thương (bệnh viện Mắt Trung ương) ngày 23/4/2018 vì đang tạo hình mí ở cơ sở làm đẹp thì bị mất kim, tua trực mặc dù đã phẫu thuật ngay nhưng vẫn không tìm được kim. Các bác sĩ đã nỗ lực dùng mọi cách để lấy kim ra, khâu lại vết mổ.
Một bệnh nhân nữ 28 tuổi khác, vào viện vì mắt phải nhìn mờ đau nhức. Trước đó 6 tháng bệnh nhân đã được phẫu thuật nhấn mí. Khám mắt với sinh hiển vi, lật mi bằng dụng cụ chuyên dụng các bác sĩ thấy bệnh nhân có loét trợt giác mạc rộng, lộ chỉ khâu nhấn mí cũ. Nguyên nhân của những khó chịu, đau nhức, nhìn mờ mà chị phải chịu đựng nhiều tháng nay đã rõ: Kỹ thuật nhấn mí không chuẩn chỉnh đã làm lộ chỉ ở kết mạc mi trên, đầu chỉ cọ xát liên tục lên lòng đen (giác mạc) gây loét trợt một vùng rộng.
Trường hợp thứ 2 cũng là một tín đồ của phẫu thuật nhấn mí, bệnh nhân đã được mổ hai lần và vẫn chưa thể hài lòng vì mắt kích thích sưng nề, ra gỉ nhiều. Mắt phải có nhiều ổ viêm trên kết mạc ứng với những mũi chỉ khâu nhấn mí bị lộ. Giác mạc loét trợt rộng khiến bệnh nhân nhìn mờ và chói cộm trường diễn.
Trước khi quyết định tiêm filler cần biết trước những biến chứng này có thể xảy ra?
Bác sĩ Hoàng Cương cho biết: “Tiêm filler (chất làm đầy) làm đẹp không đơn giản như mọi người nghĩ. Những tai biến do làm đẹp, cụ thể là tiêm chất làm đầy đôi khi để lại những rắc rối về thẩm mỹ khiến chị em hoang mang, lo lắng hoặc để lại sẹo do nhiễm trùng. Chất làm đầy nếu tiêm vào mạch máu sẽ gây tắc mạch. Tiêm nhiều quá mức gây biến chứng chèn mạch. Những tai biến này nếu làm tổn thương tế bào, dù "sửa chữa" đến mấy di chứng vĩnh viễn không thể loại bỏ do tế bào bị tổn thương, gây sẹo cho bệnh nhân. Bởi vậy tiêm filler phải là một bác sĩ được đào tạo về filler, là bác sĩ thẩm mỹ, bác sĩ da liễu được đào tạo về filler và được cấp chứng chỉ hành nghề thì mới được tiêm filler cho bệnh nhân”.
Theo bác sĩ Hoàng Cương có 2 loại chất liệu an toàn nhất là: acid hyaluronic và collagene, được nhiều chuyên gia tin tưởng.
Những biến chứng tại mắt từ gần ra xa, tức thời hay vĩnh viễn có thể kể ra: Tụ máu sưng nề vùng quanh mắt; Đau và dị cảm; Dị ứng, đặc biệt nếu tiêm calcium hydroxyapatite; Mụn mủ và bọc mủ, u hạt do nhiễm trùng, hoại tử chỗ tiêm. Các biến chứng này xảy ra tương ứng với mức sớm, tương đối muộn và quá muộn.
Gần đây, có 2 trường hợp mù mắt sau tiêm filler vùng quanh mắt. Đây là biến chứng hiếm và cực nặng. Với thông tin và hình ảnh có được qua các trang mạng có thể thấy biến chứng xuất huyết hốc mắt, chèn ép thị thần kinh và tắc mạch võng mạc sau đó đã làm mù một bệnh nhân. Tại Mỹ cũng đã gặp những trường hợp mù do chất filler di chuyển gây tắc động mạch mắt, kèm theo cả nhồi máu não.
Bác sĩ Hoàng Cương nhận định, tiêm filler không “hiền lành” như người ta tưởng mà đôi khi có thể gây họa cho bệnh nhân. Đã không đẹp mà có khi còn nguy hiểm cho thị lực thậm chí là sinh mệnh. Do đó, mọi người có ý định tiêm filler cần phải lưu ý những điểm sau:
Kỹ thuật viên, phẫu thuật viên phải là người được đào tạo, có chứng chỉ, văn bằng hợp pháp. Kiến thức sâu về giải phẫu là vấn đề sống còn.
Cơ sở có uy tín, có thẩm quyền.
Chọn nhà cung cấp uy tín, chọn vị trí tiêm chuẩn: hyaluronic acid của Restylane, Juvederm, Perlane nên tiêm cho lớp sâu. Nếu là calcium hydroxyapatite (Radiesse) chỉ nên tiêm ở lớp dưới da còn poly-L-lactic acid (Sculptra) thì nên tiêm cho lớp mỡ dưới da.
Vô cảm tốt, đừng để bệnh nhân giãy giụa, ưu tiên bảo vệ nhãn cầu. Có dụng cụ chuyên dụng để lật mí, phòng khi đường khâu đi quá sâu.
Khi có tai biến thì nên dừng phẫu thuật đúng lúc, chuyển cơ sở tuyến cao hơn.