Kỳ tích “500 gram”
Bước vào phòng hồi sức tại Trung tâm Chăm sóc và điều trị trẻ sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản T.Ư), chúng tôi cảm nhận ngay được sự tĩnh lặng, êm ả giống như nhịp đưa nôi. Chỉ có tiếng kêu lích tích của máy móc và lời các bác sĩ, điều dưỡng trao đổi khẽ khàng. Bên những giường hồi sức nho nhỏ, chúng tôi ngỡ ngàng nhìn những trẻ sơ sinh bé nhỏ xíu, cảm giác có thể đặt gọn trong lòng tay đang say giấc. Có em, đôi tay, cẳng chân chỉ lớn bằng ngón tay của các cô y tá, điều dưỡng.
Theo bác sĩ Hoa, những đứa trẻ 500g chỉ nằm lọt trong bàn tay. Ảnh: Diệu Linh
Nhưng các cô vẫn có thể khéo léo làm các thao tác bơm, xông, thay băng, thay tã cho các bé. Những người đã từng làm mẹ đều cảm thấy nín thở trước hành động của các cô. Bởi ai cũng hiểu, khi chăm sóc con mới đẻ của mình nặng tới 3-4kg mà còn sợ làm đau, làm trầy xước trẻ, đằng này, với những đôi chân chỉ bằng ngón tay, ngón tay to như cái tăm, còn làn da mềm oặt, trong suốt, các bác sĩ, điều dưỡng đã phải nâng niu tỉ mỉ và tràn đầy sự cẩn thận, chăm chú đến mức nào.
Ngay khi chúng tôi đang hỏi chuyện bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hoa – Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh, bác sĩ Hoa đã xin phép ngừng lời để nhận cú điện thoại. Đó là chị gái của một bé trai đã từng điều trị tại Trung tâm cách đây 2 năm. Người chị gái đó khoe, em trai mình – em Trần Nam (2 tuổi, trú tại xã Tây Tựu, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) vừa mới tái khám sức khỏe và hoàn toàn khỏe mạnh. Bác sĩ Hoa liên tục kêu “thế à, tốt quá, tốt quá rồi”, sự vui sướng tràn từ môi đến đôi mắt hồn hậu của chị.
Chị dở điện thoại cho chúng tôi xem ảnh bé Nam và người chị vừa chuyển đến, đó là cậu bé khôi ngô, nụ cười hóm hỉnh và đôi mắt ánh lên sự tinh anh. Bác sĩ Hoa xuýt xoa: “Nhìn cháu thế này không thể tưởng tượng được lúc sinh cháu chỉ có 5 lạng thôi đúng không. Cháu là con của cặp vợ chồng gần 50 tuổi, sinh ra mới có 24 tuần, cân nặng chỉ 500g, các bộ phận cơ thể như não, tim, phổi còn chưa hoàn thiện.
Bác sĩ Hoa khoe ảnh bé Nam đã 2 tuổi, thông minh, lanh lợi. Ảnh: D.L
Nhiều lần cháu bị ngừng tim, bị biến chứng các bệnh hiểm nghèo nhưng chúng tôi vẫn không từ bỏ. Đặc biệt cháu còn bị xuất huyết não nên sau 3 tháng chăm sóc, nhiều lần cứu cháu khỏi bàn tay Thần Chết nhưng dù cháu đã ra viện chúng tôi vẫn rất lo lắng cho sức khỏe và trí tuệ của cháu. Giờ thì tốt quá rồi”. Chị Hoa nở nụ cười thỏa mãn – nụ cười của một người mẹ nhìn thấy đứa con đứt ruột đẻ ra của mình lớn khôn, xinh đẹp.
Bé Nam sinh ra bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm, khi đó mẹ bé đã 48 tuổi. Người mẹ đã mất một đứa con trai do bệnh hiểm nghèo nên rất muốn sinh thêm một đứa trẻ để khuây khỏa. Chị gái Nam chia sẻ qua điện thoại với chúng tôi: “Khi nhìn thấy em chỉ bé như con mèo con, yếu ớt vô cùng, cả gia đình đã rất đau xót và đành tin tưởng giao phó hoàn toàn em cho các bác sĩ ở Trung tâm.
Ngay cả khi các bác sĩ thông báo rằng em đã qua khỏi cơn nguy kịch, chúng tôi vẫn cảm thấy ngỡ ngàng, như thể đã có một phép màu, phép màu đến từ những đôi tay và trái tim của các bác sĩ. Hiện giờ, chúng tôi vẫn kết nối liên lạc với bác sĩ Hoa để thường xuyên chia sẻ sức khỏe, sự trưởng thành của em, chia sẻ niềm hạnh phúc kỳ diệu mà các bác sĩ đã trao tặng cho gia đình chúng tôi”.
“Nín thở” chăm các con
Theo bác sĩ Lê Minh Trác, Giám đốc Trung tâm hằng năm, Trung tâm tiếp nhận điều trị khoảng 25.000 - 26.000 ca sơ sinh, trong đó, số trẻ sơ sinh nhẹ cân, non tháng khoảng 4000 ca, 30% số này nặng dưới 1.500 gram, tuổi thai dưới 30 tuần. Thậm chí, có không ít trẻ sinh non ở tuần 24-26, cân nặng chỉ 500-700g nhưng vẫn được cứu sống. tính từ năm 2010 - bệnh viện đã nuôi sống trẻ sơ sinh có cân nặng thấp nhất Việt Nam là 500g, đến nay bệnh viện đã nuôi thành công được 5 trẻ.
Không chỉ các "mẹ" mà các "bố" cũng chăm con rất khéo. Ảnh: D.L
“Tôi đã gắn bó với nghề chăm sóc trẻ sơ sinh này 22 năm rồi. So với trước kia, việc cứu sống được những đứa trẻ chỉ 5-7 lạng, ở tuần 24-25 là điều vô cùng kỳ diệu, khó tin được. Những đứa trẻ sinh non mới 5-7 lạng, chỉ bằng chai nước 500ml thôi, vô cùng yếu ớt, các bộ phận trên cơ thể đều bé tí tẹo, nội tạng như tim phổi, não đều phát triển chưa hoàn thiện.
Các cháu đều không tự thở được mà phải nhờ vào hệ thống máy móc trợ giúp, từ việc hít oxy đến thải khí CO2. Việc ăn uống, bài tiết đều phải có sự trợ giúp. Mỗi bé luôn có bốn đường truyền tĩnh mạch gồm kháng sinh, sữa, dịch, trợ tim.
Những đường ven mảnh như sợi chỉ, yêu cầu các bác sĩ, y tá phải lấy chính xác, không được làm vỡ, rách những đôi tay bé tí tẹo như thế. Rồi việc thực hiện thủ thuật, thay bỉm với các ống truyền bao quanh, cho bé ăn sữa... các điều dưỡng cũng phải hết sức nhẹ nhàng, khéo léo, đảm bảo vô trùng tuyệt đối. Các bác sĩ ra vào phòng bệnh phải liên tục rửa tay, tiệt trùng các dụng cụ để đảm bảo các cháu không thể bị nhiễm trùng” – bác sĩ Hoa kể tiếp.
Theo bác sĩ Hoa, trẻ đặc biệt sinh non, nhẹ cân như những trẻ này, các cơ quan não, ruột, hệ miễn dịch rất non và yếu, nguy cơ cao dễ bị ngạt khi sinh, đặc biệt hệ hô hấp của trẻ rất yếu. Trẻ đẻ non, nhẹ cân còn dễ bị hạ thân nhiệt, nhiễm trùng sơ sinh, rối loạn chuyển hóa, tan máu, vàng da...Về lâu dài, tiếp tục có nguy cơ bại não, giảm vận động, khó khăn trong học tập và sinh hoạt, mù lòa, điếc, đặc biệt tỷ lệ đột tử cao…
Bác sĩ, điều dưỡng nơi đây phải đi lại như đèn cù để lắng nghe từng nhịp thở, cái nhăn mặt của các con. Ảnh: D.L
Chính vì thế, các bác sĩ, điều dưỡng tại Trung tâm đã phải chăm sóc các cháu sinh non trong thời gian 2-3 tháng mới giao về cho mẹ. Quá trình 2-3 tháng đó, các chị đều phải “nín thở” nghe ngóng, lo lắng cho các cháu. Khi mới vào khi luôn phải nín thở để theo dõi từng nhịp đập trái tim của các cháu, theo dõi các cháu lớn từng gram một.
Cháu được 1 cân, do nằm bệnh viện lâu nên lại lo sợ cháu bị nhiễm khuẩn bệnh viện, dễ mắc phải các bệnh nguy hiểm viêm phổi, nhiễm trùng huyết.... Bởi vì lúc này, nếu các cháu mắc bệnh thì có thể bao công sức, bao nỗ lực, bao tình cảm, xót thương lại đổ hết xuống sông xuống bể.
Chị Nguyễn Thị Thu Trang – Điều dưỡng trưởng Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh chia sẻ thêm, nghề y là nghề vất vả nhưng công việc của các bác sĩ, điều dưỡng nơi đây có lẽ còn có nhiều đặc thù hơn. Cùng lúc, các chị phải theo dõi, chăm sóc, lắng nghe sự sống của hàng trăm đứa trẻ sinh non, nhẹ cân với nhiều bệnh lý hiểm nghèo, lúc nào cũng cận kề nguy hiểm.
Các con không có sức để kêu khóc hay dãy dụa nên các bác sĩ, điều dưỡng không chỉ nhìn chỉ số trên máy móc mà phải liên tục “lượn như đèn cù” quanh các con để nhìn từng nét nhăn mặt, từng cái cựa mình, gồng bụng để biết con bị làm sao để kịp thời điều chỉnh, 24/24h. Chỉ cần rảnh rỗi một chút, các điều dưỡng, y tá sẽ “chạy quanh” để xin sữa mẹ về nuôi các con mà mẹ không có sữa.
“Món quà” khiến các cô hạnh phúc nhất chính là những đôi mắt đen láy, trong leo lẻo, hay một nụ cười vu vơ của các thiên thần. Chỉ cần con ăn thêm được 1ml sữa, khi con “bài tiết” thành công các cô đều vui sướng. “Trẻ sinh non 500-600gram chỉ ăn được 1ml sữa thôi và ăn từng giọt một. Nhưng các cô đều không hề sốt ruột, kiên nhẫn từng chút từng chút một để các con có thể hấp thụ được. Không yêu trẻ sẽ không làm được” – chị Trang chia sẻ.
Nét mặt dịu dàng khi nhắc về những đứa trẻ đã được mình và đồng nghiệp cứu sống, bác sĩ Hoa tâm sự, mỗi năm, có hàng ngàn đứa trẻ này đã khỏe mạnh rời khỏi Trung tâm. Mỗi trẻ là một niềm hạnh phúc gieo mầm trong trái tim của các bác sĩ, điều dưỡng nơi đây. Hàng năm, rất nhiều gia đình đã mang con quay trở lại Bệnh viện tái khám và mang con đến thăm các cô, khoe con lớn khôn, xinh đẹp. Và có rất nhiều trẻ, dù đã 15-17 tuổi cũng vẫn được cha mẹ đưa trở lại.
“Nhìn những đứa trẻ từng được mình cứu sống là động lực giúp chúng tôi mỗi ngày vượt qua khó khăn, mệt nhọc và căng thẳng để nỗ lực cứu sống thêm nhiều đứa trẻ nữa” – bác sĩ Hoa cười dịu dàng.
Với tấm lòng, tình yêu thương trẻ cũng như những cống hiến trong việc cứu sống, chăm sóc trẻ sơ sinh non yếu, tập thể cán bộ nữ Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương (140/155 cán bộ tại Trung tâm là nữ) đã được vinh dự nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2018 vào ngày 15.10 vừa qua. |