Ảnh: Coco Ruby Skin & Anti-Ageing
Bác sĩ chuyên khoa da liễu Lindsey Bordone ở Trung tâm Y khoa Đại học Columbia cho biết trong tình trạng sức khỏe bình thường, mồ hôi ra nhiều khi thân nhiệt vượt quá 370C, nhưng nếu nhận thấy cơ thể đổ mồ hôi nhiều hơn so với người khác hoặc gia tăng đáng kể và liên tục so với bình thường, bạn nên tiến hành rà soát một số nguyên nhân sau đây:
* Mắc chứng tăng tiết mồ hôi. Theo Hiệp hội Da liễu Mỹ, người bị bệnh này có xu hướng đổ mồ hôi quá mức tại những vị trí như lòng bàn tay, lòng bàn chân, nách hoặc đầu, mặc dù những vùng khác của cơ thể vẫn khô ráo. Trong đó, tăng tiết mồ hôi nguyên phát là do hệ thần kinh giao cảm hoạt động quá mức, còn tăng tiết mồ hôi thứ phát đến từ nguyên nhân khác như đang uống thuốc chữa bệnh, biến động hoóc-môn, bệnh về tim, ung thư, nhiễm trùng hoặc vấn đề thần kinh.
* Bệnh cường giáp. Bệnh gây ra do tuyến giáp hoạt động quá mức, sản xuất lượng hoóc-môn thyroxine quá nhiều, gây đổ mồ hôi nhiều hơn bình thường. May mắn là bệnh có thể kiểm soát bằng thuốc đặc trị, iốt phóng xạ hoặc phẫu thuật.
* Thừa cân và tuổi tác. Những người bị béo phì là đối tượng dễ đổ nhiều mồ hôi, bởi họ phải mất nhiều sức hơn để di chuyển cùng với số cân nặng dư thừa. Trong khi đó, thiếu niên trong độ tuổi dậy thì có những thay đổi trong sản xuất mồ hôi, đổ nhiều mồ hôi và sinh mùi khó chịu.
* Mang thai. Trong suốt thai kỳ, các mẹ bầu trải qua quá trình tăng cân và thay đổi hoóc-môn, nên dễ đổ mồ hôi quá mức.
* Căng thẳng tinh thần (stress), lo âu. Nhiều người thường đổ mồ hôi mỗi khi gặp tình huống căng thẳng hoặc lo lắng. Đây là phản xạ tự nhiên của hệ thần kinh giao cảm, không liên quan gì đến sự gia tăng thân nhiệt.
Ngoài những nguyên nhân trên, tình trạng đổ mồ hôi nhiều còn liên quan đến một số bệnh lý khác – bao gồm tiểu đường, hội chứng buồng trứng đa nang và rối loạn nội tiết.
Cách kiểm soát chứng đổ mồ hôi nhiều
Việc đầu tiên bạn cần làm là đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để được giải đáp về tình trạng của mình, cũng như tư vấn các giải pháp khắc phục vấn đề. Thông qua việc thăm khám, chuyên gia có thể giới thiệu các thủ thuật tại chỗ, chẳng hạn như tiêm botox vào lòng bàn tay, lòng bàn chân hoặc nách để kiềm chế hoạt động các tuyến mồ hôi.
Các bác sĩ cũng có thể cho dùng các loại thuốc kháng cholinergic để giảm lượng mồ hôi mà cơ thể tiết ra. “Những loại thuốc này ngăn chặn chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine tiếp cận các thụ thể ngoại vi trên các tuyến mồ hôi, qua đó chặn đứng tín hiệu ra lệnh đổ mồ hôi” - bác sĩ da liễu Tsippora Shainhouse tại Los Angeles (Mỹ) giải thích.
Ngoài ra, người bệnh có thể áp dụng các phương pháp can thiệp giúp chống tăng tiết mồ hôi, bao gồm MiraDry - sử dụng công nghệ vi sóng không xâm lấn để thu nhỏ vĩnh viễn và phá hủy các tuyến mồ hôi ở nách, hoặc công nghệ điện di Iiontophoresis để tăng hấp thụ thuốc tại phần cơ thể bị ảnh hưởng.
Bên cạnh những liệu pháp kể trên, việc thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt cũng có ích trong việc kiểm soát tình trạng ra mồ hôi quá mức. Thí dụ, người bệnh cần xem lại chất liệu trang phục thường ngày, thay vớ và giày nếu đổ mồ hôi nhiều ở chân và nhớ uống thêm nước để bù lượng nước thất thoát qua mồ hôi để giữ gìn sức khỏe.