Thông tin mới vụ 11 bé nặng nhất nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì

Thứ hai, 29 Tháng 10 2018 16:08 (GMT+7)
11 bé trong số hơn 30 trẻ nghi bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn sáng tập thể với bánh mì chà bông ngày 28-10 đã được BV Quận Tân Phú chuyển lên BV Nhi Đồng 1.

Theo bác sĩ (BS) Đinh Tấn Phương, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP HCM) khoảng 14 giờ ngày 28-10, BV đã nhận được cuộc gọi từ BV quận Tân Phú (TP HCM) thông báo về vụ nhập viện hàng loạt nghi do ngộ độc thực phẩm, trong đó có một số bé nặng sẽ chuyển lên BV Nhi Đồng 1. 

Thông tin mới vụ 11 bé nặng nhất nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì - Ảnh 1.

Một trong các bé đang được theo dõi tại khoa Tiêu hóa

Tổng cộng đã có 11 bé được chuyển tới BV Nhi Đồng 1. Sau quá trình lọc bệnh, 5 bé tương đối nhẹ hơn được chuyển đến Khoa Tiêu hóa tiếp tục theo dõi, 6 bé tiếp tục được chăm sóc tích cực tại Khoa Cấp cứu. Sau đó, 4/6 bé tại Khoa Cấp cứu tiếp tục được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực – chống độc vì có triệu chứng nặng nhất.

Theo BS Đinh Tấn Phương, chẩn đoán ban đầu cho thấy các bé bị nhiễm trùng – nhiễm độc tiêu hóa. Để xác định nguyên nhân, các BS đã thu thập mẫu chất nôn, phân của các bé và gửi cho cơ quan chức năng. Nguyên nhân chính thức sẽ do Ban Quản lý An toàn thực phẩm – Sở Y tế xác định và công bố.

Khi nhập viện, các bé bị nôn ói, tiêu chảy nhiều; các bé nặng nhất còn có các biểu hiện bất ổn về tim mạch, sốc. Rất may sau khi được truyền dịch liều tấn công, tình trạng các bé dần ổn.

PGS-TS-BS Phạm Văn Quang, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực – chống độc, BV Nhi Đồng 1, cho biết đến sáng 29-10, 4 bé nặng nhất được theo dõi tại khoa của ông đã qua cơn nguy hiểm, đang được truyền dịch liều duy trì.

Hiện còn 1 bé được theo dõi tại Khoa Cấp cứu, các bé khác đã được chuyển cùng về Khoa Tiêu hóa. Ghi nhận tại Khoa Tiêu hóa cho thấy đa số các bé đã khỏe, có thể vui vẻ chạy chơi, một số bé còn mệt nhưng nhìn chung đã ổn. BS Phương nhận định 11 bé này có thể được xuất viện trong 1-2 ngày tới.

Theo BS Phương, nhiễm trùng – nhiễm độc tiêu hóa như trường hợp 11 trẻ này có thể do 3 nhóm tác nhân chính: nhiễm vi khuẩn như salmonella, tụ cầu vàng; do chất phụ gia thực phẩm; do thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng không đúng tiêu chuẩn. Ngoài ra, thực phẩm bị hư hỏng do để lâu cũng có thể gây nên vấn đề trên.

Để phòng ngừa, tốt nhất trong thời tiết nóng trên 30 độ C, thực phẩm sau khi chế biến phải dùng ngay; nếu để lại cũng phải bảo quản trong nhiệt độ 4-6 độ C, thời gian tùy loại thực phẩm nhưng cũng không nên để quá lâu; chọn nguồn thực phẩm tin cậy, an toàn, bảo đảm vệ sinh khi ăn uống và chế biến. Nếu trong vòng 24 giờ sau khi ăn mà có biểu hiện nôn ói, đau bụng, tiêu chảy…, bệnh nhân cần đến BV khám ngay.

Như Báo Người Lao Động đã đưa tin, chiều 28-10, tại quận Tân Phú xảy ra vụ nghi ngộ độc thực phẩm khiến hơn 30 trẻ từ 7-12 tuổi nhập viện cấp cứu. Theo thông tin ban đầu, sáng cùng ngày số trẻ này đi lễ tại một nhà thờ tại phường Tân Quý và có ăn bánh mì chà bông. Các trẻ có biểu hiện nôn ói, tiêu chảy từ 11 đến 14 giờ.

Chiều 28-10, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM cũng đã vào cuộc lấy mẫu, niêm phong mẫu thực phẩm nghi gây ngộ độc để làm rõ.

Nguồn: A. Thư - (nld.com.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe