Dịch cúm gia cầm H5N6 có khả năng lây sang người: Cần làm ngay điều này để phòng tránh

Thứ sáu, 02 Tháng 11 2018 14:13 (GMT+7)
Trong lúc dịch cúm gia cầm đang xuất hiện như hiện nay, người dân cần chú ý làm những điều dưới đây phòng tránh dịch lây lan sang người.

Dịch. cúm gia cầm vừa xuất hiện tại xã Hòa An, huyện Phú Hòa với chủng virus cúm A/H5N6 với độc lực mạnh và có khả năng lây lan cho người. Trước tình hình dịch đang xảy ra, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên chia sẻ với báo Phú Yên về cách phòng bệnh cho chính người chăn nuôi và những người tham gia phòng dịch.

Sức khỏe - Dịch cúm gia cầm H5N6 có khả năng lây sang người: Cần làm ngay điều này để phòng tránh

Dịch cúm gia cầm vừa xuất hiện tại xã Hòa An, huyện Phú Hòa với chủng virus cúm A/H5N6. (Ảnh: Báo Đại đoàn kết)

Theo ông Lâm, virus cúm A/H5N6 là chủng virus có khả năng lây lan sang người, vì vậy đối với người nuôi, khi tiếp xúc với gia cầm phải có những trang thiết bị bảo hộ cần thiết như: Khẩu trang, găng tay, ủng chân… Trước và sau khi vào chuồng trại, khu vực chăn nuôi, người nuôi phải vệ sinh chân tay bằng xà phòng. Các dụng cụ bảo hộ nên khử trùng bằng thuốc sát trùng. Đối với lực lượng chức năng khi tham gia chống dịch, cần chuẩn bị sẵn sàng và đầy đủ các trang thiết bị để phục vụ cho cán bộ tham gia kiểm tra.

Sau khi hoàn tất mọi công tác chống dịch, tất cả trang thiết bị được thu gom đốt hoặc chôn lấp và xử lý bằng vôi bột, thuốc sát trùng. Đặc biệt, trong tình hình dịch cúm gia cầm đang bùng phát như hiện nay, người dân tuyệt đối không được sử dụng gia cầm, các sản phẩm gia cầm chưa được nấu chín.

Người chăn nuôi cần làm gì để có thể bảo vệ đàn vật nuôi của mình

Ông Lâm cho biết, trong lúc dịch cúm gia cầm đang xuất hiện như hiện nay, người chăn nuôi cần khẩn trương chủ động mua vắc-xin và tiêm phòng cho đàn gà, vịt, chim cút... Tiến hành thu gom, xử lý chất thải hàng ngày, phun thuốc tiêu độc sát trùng khu vực chuồng trại và xung quanh chuồng nuôi để hạn chế mầm bệnh. Bà con cũng phải theo dõi chặt chẽ đàn gia cầm, tăng khẩu phần dinh dưỡng, cho gia cầm uống nước sạch...

Khi thấy vật nuôi có biểu hiện bất thường thì báo ngay cho cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương gần nhất. Đặc biệt, người chăn nuôi tuyệt đối không được giấu dịch, cố bán chạy gia cầm bị bệnh, vứt xác gia cầm chết ra môi trường vì rất dễ làm dịch bệnh lây lan, bùng phát mạnh.

Người dân chú ý phòng tránh dịch cúm gia cầm từ những thói quen hàng ngày

Chia sẻ với Zing.vn, ông Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Điều trị tích cực, bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, để chủ động phòng tránh lây nhiễm và mắc bệnh cúm gia cầm, người dân cần thực hiện một số khuyến cáo của Bộ Y tế như sau:

Thường xuyên rửa tay với xà phòng, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng.

Hạn chế tiếp xúc với người bệnh, không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm ốm chết, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín.

Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết, phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

Khi có các biểu hiện cúm như: Sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

Người trở về nước từ khu vực có bệnh, nếu có những triệu chứng của bệnh cúm phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe và điều trị kịp thời.

Nguồn: Phong Linh - (nguoiduatin.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe