Sáng 5-11, chị P.T.X.T (SN 1984; ngụ Bến Tre) sản phụ được cho là xin máu trên mạng xã hội đã ổn định sức khỏe. Chị và chồng tỏ ra rất vui mừng sau cơn nguy biến và dự kiến xuất viện sau vài ngày nữa. Chồng chị T. cho biết anh "đội ơn" những người cho máu mà anh không biết tên đã hiến tặng cho các ngân hàng máu, để cứu sống vợ anh. Trong lúc chị T. không hề biết mình có máu hiếm.
Vợ chồng chị T. vui vẻ nhận lời "lên hình" và gửi lời cám ơn đến những người hiến máu - ảnh: ANH THƯ
Trước đó, dân mạng biết đến trường hợp của chị thông qua một lời kêu gọi xin máu AB (Rh-) trên mạng xã hội Facebook tối 2-11. Thông tin này do một người nghe được chồng chị than thở rằng vợ mình sinh con mất máu nhiều, lại thuộc nhóm máu hiếm AB (Rh-), đăng tải. Status nhận được nhiều lượt share, trong đó nói rằng nhờ 2 người cho máu nên đã qua được đêm nay, nếu sáng mai không có thì tình huống xấu có thể xảy ra.
Tuy nhiên, một số người thắc mắc khi họ đến Bệnh viện (BV) Từ Dũ, là nơi chị T. đang nằm thì BV lại thông tin chị T. không cần tiếp thêm máu và hướng dẫn đến Hội Chữ thập đỏ hoặc BV Truyền máu huyết học nếu có nhu cầu hiến tặng máu hiếm cho các ngân hàng máu.
Theo BS chuyên khoa II Bùi Văn Hoàng, quyền Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Từ Dũ, sự thật là chị T. đã qua cơn nguy kịch vào tối 1-11, sau vài giờ được chuyển đến BV Từ Dũ. Trước đó, chị vào BV Đa khoa tỉnh Bến Tre để sinh con. Qua đánh giá sơ bộ, bác sĩ nhận định ca sinh có nguy cơ băng huyết, sản phụ lại thuộc nhóm máu cực hiếm AB (Rh-). Do BV này không sẵn nguồn máu nên BS đã dự định phải chuyển viện lên tuyến trên. Tuy nhiên, chị T. đã vào cơn chuyển dạ, không kịp chuyển viện.
Ê-kíp BS của BV Đa khoa tỉnh Bến Tre buộc phải đỡ sinh tại chỗ, xử trí cầm máu do chị T. đã bị băng huyết như tiên lượng và gọi điện trước cho BV Từ Dũ để chuẩn bị tiếp nhận truyền máu cấp cứu cho sản phụ.
BV Từ Dũ tiếp nhận bệnh nhân lúc 14 giờ 30 phút ngày 1-11, vận hành khẩn cấp quy trình báo động đỏ nội viện và báo động đỏ liên viện. Chị T. được truyền khẩn cấp 1 đơn vị máu O (Rh-) cùng một số chế phẩm máu từ ngân hàng máu BV Từ Dũ và đã qua cơn nguy kịch.
Dù vậy, để hoàn toàn hồi phục, chị được chuyển qua đơn vị hồi sức nằm theo dõi và tiếp tục được truyền thêm 1 đơn vị máu từ BV Truyền máu huyết học, 4 đơn vị từ BV Chợ Rẫy, tất cả đều là nhóm AB (Rh-) và nhiều đơn vị chế phẩm máu khác. 20 giờ 50 phút cùng ngày, quy trình truyền máu kết thúc và chị T. đã tỉnh táo.
Trong quá trình cấp cứu cho sản phụ, BS có cập nhật tình hình của chị cho người chồng, bao gồm cho biết tình hình sức khỏe của chị, chị có nhóm máu hiếm và quá trình huy động máu từ các BV bạn. Chồng chị T. trong lúc ngồi chờ có tâm sự với một số người cùng chờ người thân trong BV, dẫn đến việc 1 người nhiệt tình đã viết lời kêu gọi trên Facebook nhưng có lẽ do thông tin truyền miệng qua nhiều người nên không được chính xác.
Chị T. rất vui vẻ và sẽ xuất viện sau vài ngày nữa. Con gái mới sinh của chị là con thứ 2, nặng 3 kg; đang được bà nội chăm sóc ở quê - ảnh: ANH THƯ
BS chuyên khoa II Lê Minh Hoài An, Trưởng Khoa Xét nghiệm, đơn vị quản lý Ngân hàng máu của BV Từ Dũ, xác nhận ngân hàng này không có chức năng điều chế máu, nên không thể tiếp nhận nguồn máu trực tiếp. Máu khi tiếp nhận cần trải qua một quy trình kiểm tra, điều chế nghiêm ngặt trước khi truyền. Tại TP HCM, người dân cần đến hiến tại BV Truyền máu huyết học và Hội Chữ thập đỏ.
Khi có bệnh nhân có nhu cầu máu tại BV Từ Dũ, BV sẽ sử dụng nguồn máu dự trữ cho ngân hàng và yêu cầu thêm máu từ các BV khác như trong trường hợp trên. BV đã có quy trình quản lý sản phụ có nhóm máu Rh- (Rhesus âm) từ năm 2008 và 1 đơn vị máu tươi O (Rh-), vốn có thể truyền cho cả 4 nhóm O, A, B, AB âm, đủ để người bệnh qua cơn nguy kịch trước khi máu từ BV Truyền máu huyết học chuyển đến. Thống kê mỗi tháng có khoảng 15 sản phụ nhóm máu Rh- đến sinh nở tại đây.