Phẫu thuật điều trị trào ngược dạ dày

Thứ ba, 06 Tháng 11 2018 15:47 (GMT+7)
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản khá phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Những trường hợp bệnh ở mức độ nặng, khiến bệnh nhân rất khổ sở với việc ăn vào thức ăn lại trào ra, gây suy giảm nghiêm trọng sức khỏe. Thời gian qua, Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân bằng phương pháp phẫu thuật giúp người bệnh cải thiện chất lượng cuộc sống.

Bác sĩ CKII La Văn Phú thăm hỏi bệnh nhân sau phẫu thuật điều trị.  

Bệnh nhân Nguyễn Thủy Tiên, 32 tuổi, ở tỉnh Bình Thuận bị chứng trào ngược dạ dày – thực quản hành hạ hơn 2 năm qua, không quản đường sá xa xôi, tìm đến bác sĩ La Văn Phú, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, BV Đa khoa TP Cần Thơ, hy vọng  được bác sĩ điều trị khỏi căn bệnh gây nhiều khốn khổ. Bệnh nhân than thở: “Khoảng 11 – 12h trưa ăn xong, buổi chiều đi học, thức ăn trào ngược lên, đau tức không thể chịu nổi, em phải bỏ học đi về tìm thuốc uống. Buổi tối cứ 2 - 3h sáng đang ngủ lại phải thức giấc vì thức ăn và dịch vị trào lên gây đau tức sau xương ức và ngực trái. Em đã đi khám và điều trị rất nhiều nơi, uống rất nhiều thuốc, tốn nhiều tiền, nhưng bệnh tình ngày càng trầm trọng, giảm 5 - 6kg, sức khỏe giảm sút”. Cô gái kể, qua đọc báo, được biết bác sĩ đã phẫu thuật cho nhiều người mắc bệnh như cô đạt kết quả tốt, nên mong muốn được phẫu thuật để thoát khỏi cảnh khổ, hồi phục sức khỏe.

Qua kết quả trực tiếp thăm khám và các xét nghiệm lâm sàng cũng như lịch sử điều trị, bác sĩ La Văn Phú đánh giá bệnh nhân bị chứng trào ngược dạ dày thực quản mức độ nặng, không đáp ứng được điều trị nội khoa nên chỉ định phẫu thuật. Ê kíp bác sĩ thực hiện phương pháp phẫu thuật nội soi xếp nếp đáy vị kiểu Nissen, kỹ thuật rất hiệu quả trong điều trị chống trào ngược nói chung và trong bệnh GERD nói riêng. Sau mổ một tuần, sức khỏe tiến triển tốt, nhất là chứng trào ngược không còn, khiến bệnh nhân vô cùng hạnh phúc. Trước lúc xuất viện, Thủy Tiên dành nhiều lời cảm ơn chân thành đối với bác sĩ La Văn Phú cùng tập thể các bác sĩ BV Đa khoa TP Cần Thơ. Đây không phải là trường hợp đầu tiên bệnh nhân từ vùng khác tìm đến Cần Thơ để trị bệnh lý này. Trước đó, nhiều bệnh nhân nhờ thông tin báo, đài, biết được bác sĩ Cần Thơ “mát tay”, đến BV Đa khoa TP Cần Thơ điều trị và được chữa khỏi, giúp BV ngày càng củng cố uy tín, thương hiệu BV.

Bác sĩ La Văn Phú cho biết, bệnh trào ngược dạ dày – thực quản, tên tiếng Anh là: Gastroesophageal Reflux Disease, thường được viết tắt là GERD. Bệnh khá phổ biến, gặp ở cả 2 giới, mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em và phụ nữ mang thai. Hầu hết các trường hợp, GERD có thể giảm hoặc hết khi thay đổi lối sống và chế độ ăn; tuy nhiên, cũng có một số trường hợp phải điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật.

GERD là tình trạng các chất trong lòng dạ dày, bao gồm thức ăn, nước uống và các chất trong dịch vị, trào ngược lên thực quản. Bình thường, cơ tâm vị mở cho phép thức ăn từ thực quản xuống dạ dày và đóng lại không cho thức ăn, dịch vị trào ngược lên thực quản. GERD xảy ra khi cơ này bị yếu không thể giữ thức ăn và dịch vị từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Thoát vị khe hoành cũng có thể gây ra GERD. Mức độ trầm trọng của GERD tùy thuộc vào mức độ yếu của cơ tâm vị cũng như lượng dịch từ dạ dày trào lên thực quản sự trung hòa dịch vị của nước bọt.

Con đường dẫn đến bệnh lý này chủ yếu do chế độ ăn và lối sống không hợp lý, như việc ăn nhiều thức ăn nóng, cay, nhiều dầu mỡ, nước uống có cồn; hút thuốc, béo phì, phụ nữ mang thai; buổi tối ăn gần giờ đi ngủ; ngủ nằm đầu thấp. Một số triệu chứng nhận diện bệnh như: Cảm giác ợ hơi, ợ chua (dịch vị), sau ăn một vài giờ và buổi tối. Cảm giác đau tức hoặc nóng rát sau xương ức hay vùng ngực trái, vì vậy nhiều người cả bệnh nhân và thầy thuốc nhầm lẫn bị bệnh tim. Đôi khi cảm giác hụt hơi, khó thở. Các triệu chứng khác như viêm họng – thanh quản kéo dài không đáp ứng với kháng sinh. Trường hợp nặng, đêm nằm ngủ thức ăn và dịch vị trào lên thực quản, thậm chí có trường hợp trào lên miệng. Các dấu hiệu thường nặng lên sau ăn 1 – 2 giờ và từ nửa đêm trở về sáng. Bệnh kéo dài, đôi khi có những biến chứng trầm trọng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống nhưng hiếm khi đe dọa đến tính mạng. Viêm loét thực quản là biến chứng thường gặp nhất, tình trạng này có thể gây chảy máu. Loét lâu ngày có thể sẹo xơ và hẹp lòng thực quản. Một số trường hợp bệnh lâu ngày có thể gây viêm thực quản, biến chứng này có thể dẫn đến ung thư thực quản.

Bác sĩ La Văn Phú nhấn mạnh, hầu hết các trường hợp GERD điều trị nội khoa không cần phẫu thuật. Bệnh nhân thay đổi lối sống và chế độ ăn hoặc dùng thuốc trung hòa dịch vị và thuốc giảm tiết acid dịch vị; chỉ một số ít trường hợp cần đến phẫu thuật do đáp ứng kém hoặc không đáp ứng với điều trị nội khoa đúng cách. Phẫu thuật xếp nếp đáy vị kiểu Nissen (Nissen fundoplication) là phương pháp phẫu thuật cho kết quả tốt và được áp dụng nhiều nhất. Kết quả điều trị bằng phương pháp phẫu thuật tùy thuộc vào chỉ định phải đúng và trình độ của phẫu thuật viên. 

Nguồn: THU SƯƠNG - (baocantho.com.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe