Tản bộ ngoài trời. Khi vào mùa lạnh, nhiệt độ giảm xuống nhưng việc suốt ngày “ru rú” trong nhà có thể làm trầm trọng thêm chứng rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD). Trong khi đó, ra ngoài tản bộ được chứng minh có thể giúp tăng cường khả năng miễn dịch trước các vi khuẩn gây bệnh mùa lạnh cũng như giúp giảm triệu chứng căng thẳng, lo âu và trầm cảm. Để đạt hiệu quả, tốt nhất bạn nên dành 30 phút mỗi ngày để đi bộ trong công viên, khu vực nhiều cây xanh hoặc dọc theo bờ sông/biển.
Tắm nắng sáng thường xuyên. Duy trì thói quen này giúp cơ thể hấp thu vitamin D, vốn quan trọng đối với sức khỏe đường ruột, sự phát triển và tái tạo của tế bào, cũng như cải thiện chức năng miễn dịch và sức khỏe tâm thần. Nếu bạn buộc phải làm việc trong văn phòng cả ngày, bổ sung vitamin tổng hợp có chứa vitamin D cũng có lợi cho sức khỏe.
Cần chế độ dinh dưỡng đặc biệt. Vào mùa lạnh, cơ thể cần tiêu thụ thêm rau quả, nhất là các loại rau lá xanh vốn dồi dào lượng kẽm và magiê cần thiết cho hệ miễn dịch. Bên cạnh đó, bổ sung đầy đủ vitamin C và B6 trong chế độ ăn uống cũng tăng cường chức năng miễn dịch, phòng tránh bệnh tật, nhất là chứng cảm lạnh.
Đừng quên sử dụng tỏi, gừng và củ hành khi chế biến món ăn bởi các gia vị này không chỉ giúp bạn ngon miệng hơn mà còn có tác dụng giữ ấm cơ thể trong những ngày lạnh. Trong khi đó, các loại hạt, trái bơ, sô-cô-la đen, hạt thì là, cỏ hương thảo thúc đẩy cơ thể sản sinh chất dẫn truyền thần kinh serotonin trong não, giúp loại bỏ tâm trạng ủ rũ, thiếu sức sống thường gặp trong mùa lạnh.
Ăn nhiều cá. Phân tích 26 nghiên cứu gần đây cho thấy việc tăng hàm lượng axít béo omega-3 bằng cách tiêu thụ nhiều cá giúp giảm tới 17% nguy cơ mắc chứng trầm cảm. Các loại cá béo (như cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá trích, cá mòi...) chứa nhiều axít béo có lợi cùng nhiều vitamin giúp tăng cường hệ miễn dịch.
Bổ sung lợi khuẩn probiotic. Bổ sung thực phẩm giàu lợi khuẩn probiotic (gồm sữa chua, nấm sữa kefir, rau củ ngâm chua, tương miso và sô-cô-la đen) giúp cải thiện sức khỏe đường ruột, hỗ trợ tiêu hóa và hấp thu các dưỡng chất, từ đó thúc đẩy hàm lượng năng lượng của cơ thể cũng như sức khỏe tổng thể. Nếu không thích bất kỳ loại thực phẩm nào kể trên, bạn có thể bổ sung thực phẩm chức năng chứa probiotic để bảo vệ sức khỏe.
Ngủ đủ giấc. Ngủ ngon và đủ giấc giúp phục hồi cả thể chất lẫn tinh thần. Ngược lại, thiếu ngủ làm cho chúng ta trở nên gắt gỏng, lo lắng, ảnh hưởng đến sự tập trung tại nơi học tập hoặc làm việc. Ngoài ra, cơ thể khi thiếu ngủ sẽ sản sinh ra nhiều hoóc-môn gây căng thẳng tinh thần (stress), vốn làm tăng huyết áp, từ đó làm tăng nguy cơ đau tim và đột quị. Theo các chuyên gia, thường xuyên ngủ đủ giấc vừa giảm stress vừa giúp bạn xử lý công việc tốt hơn, cũng như tăng hệ miễn dịch và đẩy lùi các vi-rút gây bệnh trong mùa lạnh.
Uống trà xanh. Trà xanh chứa nhiều chất dinh dưỡng cũng như chất chống ôxy hóa có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, giúp bảo vệ và nuôi dưỡng thành ruột, đồng thời chống lại các bệnh thoái hóa. Ngoài vị ngon, trà xanh còn chứa nhiều hợp chất có lợi cho sức khỏe gồm dưỡng chất polyphenol, chất chống ôxy hóa flavonoid, chất diệp lục, vitamin và khoáng chất. Các đặc tính có lợi trong trà xanh không bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cho dù bạn uống nóng hay lạnh.