Từ vụ sán lợn ở Bình Phước: Báo động nhiễm ký sinh trùng!

Thứ hai, 12 Tháng 11 2018 14:03 (GMT+7)
Bệnh truyền qua thực phẩm do ký sinh trùng khá phổ biến, có liên quan chặt chẽ đến tập quán ăn uống như ăn tiết canh, gỏi sống, rau sống, các loại đồ ăn, thức uống chưa được đun sôi, nấu kỹ...

Sau vụ ngộ độc thực phẩm tại quận Tân Phú (TP HCM) do thực phẩm nhiễm tụ cầu vàng, mới đây lại phát hiện hơn 100 người bị nhiễm sán lợn ở Bình Phước.

Đã lan ra diện rộng

Theo PGS-TS Lê Thành Đồng, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP HCM, vụ nhiễm ký sinh trùng (KST) sán lợn tại Bình Phước xảy ra trên diện rộng, lan ra nhiều xã, nhiều nhất là tại 3 xã Phú Nghĩa, Đắk Ơ, Bù Gia Mập. Trong hơn 904 mẫu xét nghiệm đã có 108 mẫu nhiễm ấu trùng sán lợn, chiếm gần 12%; nhiễm ấu trùng sán với mật độ rất cao (50-70 nang ấu trùng/kg thịt); các bộ phận của lợn như: cơ, não, lưỡi đều nhiễm nang ấu trùng.

Từ vụ sán lợn ở Bình Phước: Báo động nhiễm ký sinh trùng! - Ảnh 1.

Khám bệnh nhiễm ký sinh trùng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM Ảnh: NGUYỄN THẠNH

"Tình trạng nhiễm bệnh rất cao, khả năng lây lan rất lớn do tập quán chăn nuôi lợn thả rông, ăn uống, sinh hoạt của người dân liên quan đến việc nhiễm bệnh từ thịt lợn chưa nấu chín. Ghi nhận đến nay đã có 55 địa phương có ca nhiễm bệnh" - PGS Đồng cảnh báo.

Từ vụ sán lợn ở Bình Phước: Báo động nhiễm ký sinh trùng! - Ảnh 2.

Lấy mẫu xét nghiệm sán lợn tại Bình Phước. (Ảnh do Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP HCM cung cấp)

Nhiễm KST được giới chuyên môn báo động là vậy nhưng đa số người dân vẫn thản nhiên, không phòng ngừa các nguy cơ nhiễm bệnh. Tại cửa một công ty may mặc trên Quốc lộ 13 (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP HCM) sáng nào cũng có hàng chục xe đẩy hàng rong, phục vụ bữa sáng cho công nhân. Do là "nhà hàng dã chiến" nên người bán vô tư dùng tay bốc thức ăn, múc cháo, xắt thịt. Người mua cũng tranh thủ ngồi ăn giữa đường, mặc khói bụi, rác và nước thải chung quanh.

Thực tế hầu như trước cổng BV, trường học nào tại TP HCM cũng có bán hàng rong. Vì buôn bán ngoài đường, vỉa hè không bảo đảm vệ sinh do thiếu nước rửa, lại thường xuyên hứng nắng, bụi nên ngoài nguy cơ ngộ độc cũng không loại trừ nhiễm KST do thức ăn chưa đủ chín; khuẩn, tả sinh sôi. Trên đoạn đường Triệu Quang Phục (quận 5, bên hông BV Hùng Vương) - nơi từng xảy ra vụ nhiều học sinh bị tiêu chảy cấp - rất nhiều học sinh tranh thủ ăn bánh tráng trộn, trái cây cắt sẵn... mà không để ý nhiều vũng nước trắng đục xả thẳng ra mặt đường.

Hiểm họa khôn lường

Ghi nhận tại các BV chuyên khoa lúc nào cũng có người đến khám về bệnh KST. Chỉ riêng BV Bệnh nhiệt đới TP HCM, hiện mỗi ngày tiếp nhận khám cho khoảng 450-500 lượt bệnh nhân liên quan đến nhiễm bệnh này và chỉ từ tháng 4 đến tháng 10, con số này đã là 55.000 lượt. BS Trần Nguyễn Hoàng Tú, Phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Bệnh nhiệt đới, thống kê 90% bệnh nhân khám là do ngứa và phần đông số này là do nhiễm giun đũa chó. Kế đến là bị nhiễm sán dây bò với triệu chứng thường gặp ở đường tiêu hóa. Số còn lại nhiễm giun lươn, giun đầu gai.

GS-TS Nguyễn Văn Đề, nguyên Trưởng Bộ môn Ký sinh trùng Trường Đại học Y Hà Nội, thông tin ông đã từng điều trị cho rất nhiều bệnh nhân bị nhiễm sán dây lợn, sán dây bò. Có những bệnh nhân bị rối loạn tiền đình hơn chục năm, thường xuyên có những cơn đau đầu, hoa mắt chóng mặt, nôn mửa, ngất xỉu, thậm chí bệnh nặng không thể làm được gì nhưng khám không tìm ra bệnh, điều trị bệnh lại nặng thêm. Sau khi được xét nghiệm, kiểm tra, bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị nhiễm ấu trùng sán lợn. Sán dây lợn hay sán dây bò là căn bệnh hay gặp nhưng ít được chúng ta để ý. Tỉ lệ mắc bệnh này ở miền núi và trung du cao hơn so với đồng bằng. "Nếu không cẩn thận, con người sẽ trở thành "món ăn" của sán dây lợn, sán bò bởi nhiều món ăn khoái khẩu như thịt heo tái, thịt bò tái, nem chạo, nem chua… chính là nơi trú ngụ lý tưởng của nhiều loại giun sán khác nhau. Ngay cả rau sống nếu không được rửa sạch cũng là ổ chứa các loại giun sán" - GS Đề cảnh báo.

TS-BS Đỗ Trung Dũng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương, phân tích sán dây lợn và ấu trùng sán lợn do ăn thức ăn chưa nấu chín và ăn phải trứng của sán dây lợn. Trứng sán dây vào cơ thể sẽ nở ra ấu trùng và đi khắp cơ thể nhưng bộ phận ấu trùng sán dây "thích" ký sinh nhất là não người. Tại não, chúng gây ra rất nhiều biểu hiện như nhìn mờ, co giật, động kinh, ngoài ra có thể chèn ép não... Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, do KST thường biểu hiện âm thầm, hình ảnh não tổn thương không đặc hiệu nên đôi khi rất khó phát hiện, dẫn đến điều trị muộn.

BS Dũng lưu ý khi bị nhiễm bệnh, hằng ngày, ấu trùng sán lợn phát triển trong cơ thể để rụng những đốt sán kèm theo rất nhiều trứng. Sán dây lợn không chỉ hút những chất dinh dưỡng của cơ thể còn khiến cơ thể có biểu hiện dị ứng, tắc ruột vì con sán dây có thể dài từ 5-20 m cuộn trong ruột người bệnh. Đặc biệt nguy hiểm khi sán rụng trứng có thể gây hiện tượng trào ngược dạ dày và gây cơ chế tự nhiễm và lại luẩn quẩn trong cơ thể.

Về nguyên nhân lây bệnh, BS Tú cho rằng KST lây qua đường ăn uống; tiếp xúc chân đất dơ; phân; vết liếm vật nuôi chó mèo qua vết thương. Biến chứng do giun đũa chó, giun đầu gai gây ra là viêm màng não; giun móc gây thiếu máu; giun lươn gây bệnh viêm phổi. "Có trường hợp đau bụng, siêu âm thì phát hiện ổ áp-xe do sán lá gan. Nhiễm sán lá gan thường xảy ra ở bệnh nhân các tỉnh miền Trung. Nếu áp-xe nhỏ dưới 10 cm, ít khả năng vỡ thì còn có thể điều trị nội khoa, còn nếu lớn hơn phải dùng dao kéo cắt ổ áp-xe ra" - BS Tú khuyến cáo.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, bệnh truyền qua thực phẩm do KST là nhóm bệnh khá phổ biến, đặc biệt có liên quan chặt chẽ đến phong tục, tập quán ăn uống như ăn tiết canh, gỏi sống, rau sống, các loại đồ ăn, thức uống chưa được đun sôi, nấu kỹ...

Một nguyên nhân nữa của các bệnh KST là vật nuôi trong gia đình, chúng là nguồn gốc chính của sự lây lan các loại KST. KST xâm nhập vào cơ thể qua da, miệng và niêm mạc... miễn là trong môi trường có lợi, chúng sẽ cùng lúc truyền bệnh. BV Chợ Rẫy từng cứu chữa một nam bệnh nhân nhiễm KST từ 1 trong 10 con chó nuôi tại nhà. Kết quả cho thấy bệnh nhân bị viêm gan tắc mật do nhiễm ấu trùng toxocara canis.

Dễ chẩn đoán nhầm bệnh

GS-TS Đề nhấn mạnh các loài KST đều chiếm thức ăn và gây suy yếu cơ thể, đồng thời làm ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan trong cơ thể. Đặc biệt, không chỉ người dân không biết đến bệnh mà cả các bác sĩ lâm sàng cũng dễ bỏ sót. Bởi ở giai đoạn đầu của bệnh, nếu bệnh nhân có bạch cầu toan tính tăng cao trong máu, các bác sĩ mới nghĩ tới bệnh có liên quan đến KST và cho xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán bệnh. Ngoài ra, với bệnh ấu trùng sán lợn khi ký sinh ở não, dấu hiệu thường gặp là biểu hiện nhức đầu và nổi các kén sán dưới da, có thể kèm theo chóng mặt, buồn nôn, mất ngủ...

Theo giới chuyên môn, nhiều trường hợp khổ vì các bệnh lý thần kinh, đau đầu, viêm não, u não... chữa trị nhiều năm không khỏi, sau đó mới phát hiện do nhiễm giun sán. Nhiều loại KST có thể chui vào não, bơi trong nước não, tủy gây viêm màng não, có thể gây hôn mê nặng và tử vong.

Để phòng chống bệnh truyền qua thực phẩm do KST, người dân cần thường xuyên vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước, vệ sinh chất thải, rác thải. Đồng thời, các gia đình cần vệ sinh nhà ăn, nhà bếp, cơ sở chế biến, bảo quản thực phẩm; vệ sinh cá nhân, vệ sinh bàn tay; không dùng phân tươi bón rau, nuôi cá, lợn thả rong; diệt ruồi, nhặng, gián là những côn trùng gieo rắc mầm bệnh. 

Cần rửa từng lá rau

Để làm sạch KST trong rau sống, các chuyên gia khuyến cáo với các loại rau lá như xà lách, rau má, diếp cá..., cần rửa trực tiếp từng lá dưới vòi nước sạch để loại bỏ vi trùng, trứng giun, sán, thuốc trừ sâu một cách tốt nhất. Sau đó ngâm với nước muối loãng khoảng 15 phút. Một số người có thói quen chần (trụng sơ) rau sống qua nước sôi là không cần thiết. Vì làm cách này vừa không thể loại bỏ được vi khuẩn, thuốc trừ sâu mà lại vừa làm giảm lượng vitamin và độ ngon của rau trong quá trình sử dụng.

N.Dung

6-anh3

Mức độ an toàn thực phẩm thức ăn đường phố là đáng lo ngại Ảnh: NGUYỄN THẠNH

Nguồn: NGUYỄN THẠNH - NGỌC DUNG - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe