Bệnh trẻ em: Đừng chủ quan khi hết mùa dịch

Thứ hai, 19 Tháng 11 2018 09:16 (GMT+7)
Những bệnh hay gặp ở trẻ em như tay chân miệng, sốt xuất huyết... giảm dần trong tháng 11 song không có nghĩa là việc phòng bệnh không còn cần thiết

Con mới hơi sốt, chị T.M (32 tuổi; quận 6, TP HCM) đã vội bế bé lên Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP HCM) khám.

Bắt đầu "hạ nhiệt"

Chị vẫn ám ảnh với kỳ nghỉ Tết dương lịch năm ngoái. Gia đình đang đi Đà Lạt chơi, cháu bé lên cơn sốt, kêu rát miệng. "Lúc đó, tôi chỉ nghĩ là nhiệt miệng, vì nhớ mình đọc thấy mùa bệnh trẻ con nguy hiểm như tay chân miệng, sốt xuất huyết qua rồi. Ai dè cháu bị tay chân miệng thật, mình chủ quan không đi khám, không uống thuốc, đêm đó sốt lên hơn 39 độ C, tay bắt đầu run, phải đưa cháu đi cấp cứu" - chị kể.

Qua tháng 11, các BV nhi đã bớt ngột ngạt do một số bệnh trẻ em đã vượt qua giai đoạn cao điểm. Theo thống kê mới nhất của Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM là trong tuần lễ thứ 45 (từ ngày 2 đến 8-11), số ca mắc sốt xuất huyết nhập viện trong tuần (kể cả người lớn và trẻ em) là 953 ca, đã giảm 7% so với số trung bình của 4 tuần trước và tương đương với số liệu năm ngoái. Bệnh tay chân miệng giảm rõ rệt, chỉ còn 169 ca trên toàn thành phố, giảm 55% so với trung bình 4 tuần trước.

Bệnh trẻ em: Đừng chủ quan khi hết mùa dịch - Ảnh 1.

Phụ huynh đưa con đi khám bệnh tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM)Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Theo bác sĩ (BS) Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi Đồng 1, bệnh tay chân miệng - nguyên nhân chủ yếu khiến các BV nhi quá tải vào tháng 10 vừa qua - đang trong giai đoạn giảm dần; bệnh sốt xuất huyết có giảm nhưng vẫn còn, dự kiến phải đợi hết mùa mưa mới hết mùa cao điểm. Điều này đúng với nhận định của ông vào giữa mùa bệnh tay chân miệng, rằng bệnh sẽ diễn tiến theo chu kỳ hằng năm: đạt đỉnh, đi ngang một thời gian, bắt đầu giảm vào giữa tháng 11 và hết mùa vào tháng 12. Song BS Khanh khẳng định hết đợt cao điểm không có nghĩa là hết số ca mắc.

Đồng quan điểm, BS chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), cho biết trong những đợt không phải là cao điểm của bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết và các bệnh nhiễm khác, vẫn có các ca nặng nhập viện. Bởi lẽ đây là những dạng bệnh quanh năm. Ví dụ như bệnh nhân tay chân miệng thường tăng cao từ tháng 3-5, tháng 10-11 nhưng trong các tháng khác vẫn có bệnh nhi đến khám và nhập viện, dù số lượng có thể ít hơn.

Bên cạnh 2 căn bệnh kể trên, các chuyên gia cảnh báo một số bệnh khác như thủy đậu, quai bị, các dạng nhiễm siêu vi khác… hiện không phải là mùa nhưng đều có thể bị vì là các bệnh quanh năm. Riêng bệnh sởi, căn bệnh mới quay lại mạnh mẽ vài tháng trước thường vài năm dịch sẽ quay lại một lần và việc nó có sớm quay lại hay không phụ thuộc vào việc trẻ em trong cộng đồng có được tiêm chủng đúng lịch, đủ số mũi hay không.

Không phải mùa mới "dễ chết"

BS Trương Hữu Khanh cảnh báo rằng đôi khi những giai đoạn không phải cao điểm của bệnh mà bị mới "dễ chết", bởi có thể chúng ta sẽ mất cảnh giác. Trong khi đó, việc điều trị các bệnh nhiễm phụ thuộc nhiều vào việc trẻ được phát hiện các dấu hiệu ban đầu sớm, đưa đến cơ sở y tế khám sớm và được điều trị đúng cách từ đầu. BS Nguyễn Minh Tiến lại lưu ý một dấu hiệu mà phụ huynh không nên bỏ qua: đó là những cơn sốt. Sốt đến ngày thứ 2, không rõ nguyên nhân gì; sốt cao khó hạ, uống thuốc hạ sốt không hiệu quả… đều là tình huống cần đưa trẻ đi khám. Nặng hơn nữa là trẻ bỏ ăn, bỏ bú, mệt li bì, tay chân lạnh, tím... là tình huống cấp cứu. Ngoài ra, phụ huynh nên ghi chú lại các dấu hiệu cơ bản của vài bệnh phổ biến, như hồng ban của tay chân miệng, bóng nước của thủy đậu... để đưa con đi khám sớm.

Với bệnh sốt xuất huyết, thường số ca bệnh sẽ giảm mạnh khi mùa mưa hoàn toàn chấm dứt. Tuy nhiên, muỗi gây bệnh sốt xuất huyết là loại muỗi thường sống trong nhà, những nơi nước đọng, đồ vật chứa nước không được đậy nắp, bình bông lâu không thay nước, chén nước chống kiến dưới chân tủ... vẫn có thể là nơi cho muỗi đẻ trứng, sinh sôi và lan truyền mầm bệnh. 

Cuối năm, lưu ý các bệnh hô hấp

Các BS lưu ý rằng cuối năm, thời tiết thường có những đợt trở lạnh, dù là ở miền Nam không lạnh lắm, trẻ vẫn có nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp cao hơn. Không quen với cái lạnh; đêm thì lạnh, sáng lại nóng; thời tiết thất thường vì chuyển mùa, một số mầm bệnh dễ sinh sôi hơn trong mùa lạnh... đó là những nguyên nhân chủ yếu. Ngoài ra, một số địa phương có thể xen lẫn những ngày khô, rất nóng nực, lúc đó chúng ta nên chú ý đến các bệnh đường tiêu hóa vì thức ăn sẽ mau hư hỏng, tạo điều kiện cho các vi khuẩn gây bệnh tiêu hóa...

Nguồn: ANH THƯ - (nld.com.vn)
 
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe