6 yếu tố khiến bạn dễ gặp ác mộng

Thứ sáu, 30 Tháng 11 2018 09:02 (GMT+7)
Các chuyên gia tâm lý ước tính 50% người lớn thỉnh thoảng gặp ác mộng và trẻ em là đối tượng dễ gặp ác mộng hơn người lớn. Nhìn chung, ác mộng không đe dọa chất lượng giấc ngủ hoặc sức khỏe, nhưng nếu nó tái diễn và nghiêm trọng đến nỗi ảnh hưởng đến công việc, học hành thì bạn cần tìm tới bác sĩ. Lý do là gặp ác mộng thường xuyên làm giảm năng lượng và sức khỏe tinh thần, đồng thời có thể trở thành tác nhân dẫn tới lo âu, trầm cảm và các bệnh khác như không dung nạp glucose và cao huyết áp. Dưới đây là những yếu tố hình thành ác mộng bạn cần nhận biết để có biện pháp phòng ngừa:

Gặp vấn đề sức khỏe tâm thần

Theo chuyên gia tâm lý người Mỹ John Mayer, suy nghĩ tiêu cực và những rắc rối chưa được giải quyết đóng vai trò rất lớn trong việc quyết định tới loại và số lượng ác mộng bạn có thể gặp khi ngủ. Nghiên cứu của các nhà khoa học Phần Lan cho thấy những người bị trầm cảm nặng hoặc có thái độ tiêu cực dễ gặp những giấc mơ xấu hơn.

Mặc dù trầm cảm chắc chắn là một yếu tố gây ra ác mộng, song căng thẳng tinh thần (stress) và chuyện buồn trong cuộc sống hàng ngày cũng tác động đáng kể đến nguy cơ gặp ác mộng và làm giảm chất lượng giấc ngủ.

Mang theo những buồn lo và suy nghĩ tiêu cực lên giường ngủ dễ dẫn đến ác mộng. Ảnh: Grafpicf.pw

Tính cách cá nhân

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng tính cách cá nhân có thể góp phần tạo ra những giấc mơ xấu. Đơn cử, nghiên cứu đối với những người trải qua 2 cơn ác mộng/tháng cho thấy những người nhạy cảm dễ gặp ác mộng, trong khi một nghiên cứu khác thì phát hiện những người có sở thích nghệ thuật và sáng tạo cũng hay gặp ác mộng. Chuyên gia tâm lý và là nhà nghiên cứu giấc ngủ Ernest Hartmann phát hiện rằng những người có tính cách đa dạng - vừa cởi mở, vừa nhạy cảm và sáng tạo - nhiều khả năng trải qua những giấc mơ dài hơn, sống động, chi tiết và giàu cảm xúc, trong đó, nội dung giấc mơ thường bao gồm các kiểu tương tác hung hăng và gần giống ác mộng.

Có chấn thương tâm lý

Theo một nghiên cứu hồi năm 2015, gặp ác mộng là triệu chứng chính của rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý (PTSD). Tình trạng này khiến người bệnh khó ngủ lại và khiến họ khó vượt qua ngày hôm sau một cách suôn sẻ. Bác sĩ Alex Dimitriu, một chuyên gia về y học giấc ngủ, cho biết: “Những người bị PTSD dễ gặp ác mộng tái diễn, vốn xoay quanh sự kiện đau thương, nhiều nhất. Đây có thể là biểu hiện của tình trạng kiềm nén ký ức, tổn thương tâm lý, chứng ngưng thở khi ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ.

Ăn đêm

Ăn đêm không những không tốt cho sức khỏe mà còn có thể là nguồn gốc tạo nên ác mộng. Việc dùng bữa thịnh soạn hay chỉ ăn nhẹ cũng làm tăng sự trao đổi chất và thân nhiệt. Điều này khiến bộ não hoạt động tích cực hơn và dễ dẫn tới ác mộng. Một nghiên cứu của Đại học Montreal (Canada) cho thấy 9,5% số người tham gia đã mơ thấy những chuyện không tốt sau khi ăn đêm. Một số bằng chứng khoa học cũng chỉ ra rằng tiêu thụ thức ăn nhiều gia vị cũng dẫn đến ác mộng.

Uống rượu trước khi ngủ

Việc uống rượu ban đầu có thể giúp dễ ngủ, song khi rượu được chuyển hóa và tác dụng an thần của nó đã hết, giấc ngủ dễ bị gián đoạn và tạo nên ác mộng - theo Viện Cleveland. Và dưới tác động của rượu, những giấc mơ và những cơn ác mộng sẽ trở nên sống động hơn bình thường, thậm chí khiến bạn có hành động như bị mộng du.

Uống thuốc

Một số loại thuốc nhất định cũng có liên quan đến việc thấy ác mộng. Theo Viện Mayo, các loại thuốc huyết áp, thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng histamin và steroid là một số trong những “thủ phạm” điển hình. Các loại thuốc giảm đau, hạ cholesterol, thuốc  hỗ trợ điều trị Alzheimer, Parkinson cũng góp phần làm rối loạn giấc ngủ và tạo nên ác mộng.

* Cách phòng ngừa ác mộng

Bên cạnh việc điều trị vấn đề sức khỏe tâm thần, theo dõi thói quen ăn uống trước khi đi ngủ, nói chuyện với bác sĩ về việc uống thuốc, thì bạn cũng có thể thực hiện có một vài thay đổi nhỏ để đảm bảo có được một giấc ngủ ngon. Thói quen lành mạnh như thiền, tập thể dục và ghi nhật ký có thể giúp cải thiện giấc ngủ, từ đó giúp bạn tránh được những cơn ác mộng.

Nguồn: AN NHIÊN - (baocantho.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe