Cứu sống bệnh nhân nhiễm độc nặng sau 50 ngày bị rắn cắn

Thứ sáu, 07 Tháng 12 2018 08:55 (GMT+7)
Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 đã cứu sống được bệnh nhân bị rắn cắn trước đó gần 2 tháng trong tình trạng bị sốc nặng, nguy hiểm đến tính mạng

Ngày 6-12, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết vừa cứu sống một bệnh nhân bị nhiễm độc nặng do rắn cắn. Trước đó, bệnh nhân Trần Thị Y. (64 tuổi; trú tại Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 đóng tại huyện Phong Điền (Thừa Thiên – Huế) trong tình trạng sốc do nhiễm độc vì cách  đó trước khoảng 50 ngày bị rắn độc cắn vào cổ chân phải. Sau khi tiếp nhận, bệnh nhân nhanh chóng được điều trị sốc phản vệ do nọc độc.

Cứu sống bệnh nhân nhiễm độc nặng sau 50 ngày bị rắn cắn - Ảnh 1.

Chân của bệnh nhân Y. sau khi được phẫu thuật

Khi vượt qua được cơn sốc nguy hiểm đến tính mạng, bệnh nhân Y. được chuyển đến Khoa Chấn thương chỉnh hình trong tình trạng mặt trong cổ chân trái nhiễm trùng, nhiễm độc; khuyết hổng lộ gân, xương, mạch máu. Ngay lập tức, bệnh nhân được chỉ định cắt lọc tổ chức hoại tử nhiều lần kèm hút áp lực âm bằng hệ thống VAC. Ca phẫu thuật kéo dài khoảng 4 giờ đồng hồ, bệnh nhân hiện đã khỏe mạnh.

Cứu sống bệnh nhân nhiễm độc nặng sau 50 ngày bị rắn cắn - Ảnh 2.

Trang bị cơ sở vật chất hiện đại để khám chữa bệnh

GS-TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết thời gian qua bệnh viện đã triển khai thực hiện nhiều kỹ thuật mới và cao cấp. Để thực hiện được những kỹ thuật này, theo GS-TS Phạm Như Hiệp thì ngoài trình độ chuyên môn, kỹ thuật và tay nghề của đội ngũ y, bác sĩ, còn có sự quan tâm của Bộ Y tế trong việc đầu tư, trang bị các thiết bị y tế hiện đại cho bệnh viện, điều này đóng vai trò rất quan trọng.

GS-TS Phạm Như Hiệp khẳng định trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2017 và 2018, Bộ Y tế đã đầu tư, cấp kinh phí để mua sắm các trang thiết bị y tế hiện đại nhằm phát triển các kỹ thuật mới phục vụ nhu cầu khám và chữa bệnh của nhân dân với giá trị lên đến gần 200 tỉ đồng. Đó là các giàn mổ nội soi 3D, 4K; các máy soi tiêu hoá, phế quản hiện đại nhất; máy chụp mạch máu kỹ thuật số xóa nền DSA phục vụ cho can thiệp tim mạch và mạch não; hệ thống kính hiển vi phẫu thuật Karl Zeiss...

Nguồn: Q.Nhật - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe