Được biết, thuật ngữ bệnh tim mạch (CVD) được dùng để chỉ nhiều bệnh lý về tim chẳng hạn như đau tim, đột quỵ, cao huyết áp và suy tim. Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc CVD, bao gồm những yếu tố có thể thay đổi như hút thuốc, nồng độ cholesterol trong máu cao và huyết áp cao; những yếu tố không thể thay đổi như giới tính, chủng tộc, tuổi tác và tiền sử bệnh gia đình. Tuy nhiên, nguy cơ mắc CVD còn đến từ các yếu tố “cấp tính” như nhiễm trùng đường tiểu và viêm phổi.
Ảnh: Medical News Today
Để tìm hiểu mối liên hệ giữa nhiễm trùng và nguy cơ CVD, nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Kamakshi Lakshminarayan dẫn đầu tại Đại học Minnesota đã theo dõi 1.312 người có vấn đề về mạch vành như nhồi máu cơ tim hay đau tim, sau đó so sánh với 727 người bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Những người tham gia cũng từng điều trị bệnh nhiễm trùng ngoại trú hoặc nội trú. Nhóm nghiên cứu ghi nhận có 37% số người bị đau tim từng bị nhiễm trùng trong thời gian 3 tháng trước đó, trong khi tỷ lệ này ở những người bị đột quỵ là 30%. Đáng chú ý là trong 2 tuần đầu tiên sau khi bị nhiễm trùng, nguy cơ trải qua cơn đau tim và đột quỵ là cao nhất.
Tiến sĩ Lakshminarayan giải thích rằng khi cơ thể bị nhiễm trùng, hệ miễn dịch sẽ tạo ra nhiều bạch cầu để chống lại tình trạng này. Tuy nhiên, phản ứng tự miễn đó cũng khiến các tế bào máu nhỏ hơn - gọi là tiểu cầu - trở nên kết dính hơn. Thông thường, khi cơ thể khỏe mạnh, tiểu cầu đóng vai trò quan trọng trong việc cầm máu, nhưng trong trường hợp có quá nhiều tiểu cầu hoặc tiểu cầu trở nên quá kết dính, chúng có thể làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối làm nghẽn mạch máu. Do vậy, nhiễm trùng được kết luận là một yếu tố “kích hoạt” tình trạng tắc nghẽn mạch máu và làm tăng nguy cơ trải qua các ca bệnh CVD nguy hiểm như đau tim và đột quỵ.
* Ngáy và chứng ngưng thở khi ngủ (OSA) có thể dẫn đến tình trạng suy giảm chức năng tim sớm hơn ở phụ nữ, theo một nghiên cứu vừa công bố tại hội nghị thường niên của Hiệp hội ngành X-quang Bắc Mỹ.
Để đi đến kết luận trên, các chuyên gia tại Bệnh viện Đại học Munich (Đức) đã phân tích các thông số về tim liên quan đến việc chẩn đoán OSA và ngáy ngủ trong UK Biobank, kho dữ liệu mở cho phép các nhà nghiên cứu truy cập để nâng cao khả năng ngăn ngừa, chẩn đoán và điều trị bệnh. Theo đó, 4.877 người từng được chụp MRI tim được chia thành ba nhóm: nhóm mắc OSA, nhóm tự nhận có tật ngáy ngủ và nhóm không mắc vấn đề nào.
Sau khi so sánh nhóm ngáy ngủ với nhóm không bị rối loạn giấc ngủ, các chuyên gia phát hiện khối lượng cơ thất trái ở phụ nữ nhiều hơn đáng kể so với nam giới, đồng nghĩa tim của phái yếu đã phải làm việc nhiều hơn để thực hiện chức năng của nó. Tiến sĩ Adrian Curta, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết các thông số tim ở phụ nữ dường như dễ bị ảnh hưởng bởi chứng tăng khối lượng cơ thất trái và phụ nữ ngủ ngáy hoặc OSA có nguy cơ bị suy giảm chức năng tim sớm hơn nam giới.
Từ phát hiện trên, Tiến sĩ Curta khuyến nghị những người có tật ngáy khi ngủ nên tầm soát OSA bởi nghiên cứu cho thấy khoảng 50% số người ngáy to được chẩn đoán OSA, còn những người đã có bệnh này thì nên sớm chữa trị để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tâm thần và chất lượng cuộc sống.