Hỏa trị liệu là phương pháp chữa bệnh "thất truyền" lâu nay, gần đây xuất hiện trở lại. Trào lưu làm đẹp này khởi phát từ các spa lén lút thực hiện rồi tung lên mạng xã hội dù chưa được ngành chức năng cấp phép.
Liều mạng làm đẹp?
Vụ việc gây xôn xao dư luận khi trên mạng xã hội xuất hiện clip do một cơ sở thẩm mỹ quay cảnh nhân viên dùng khăn phủ kín một phụ nữ rồi vẫy cồn lên khăn, sau đó châm lửa… đốt. Phương pháp này còn được thổi phồng như: "Hỏa liệu có đầy đủ công hiệu điều trị của đông y, tây y, chăm sóc sức khỏe bằng phương pháp vật lý trị liệu, ưu điểm nổi trội, làm đẹp hiệu quả, tác dụng chữa bệnh thần kỳ từ thời vua chúa"… Không chỉ quảng cáo, ngay sau đó, nhiều cơ sở spa tại TP tổ chức tuyển sinh, đào tạo cách "đốt mỡ làm đẹp". Làm đẹp đâu chưa thấy nhưng đã có clip "mắng vốn" sau khi nhân viên spa "nổi lửa", người làm đẹp bị bỏng đen cả vùng lưng, đau đớn không tưởng.
Bác sĩ Nguyễn Tuyết Mai trình diễn quy trình hỏa trị liệu tại Viện Y dược học dân tộc TP HCM
Ngay sau đó, Thanh tra Sở Y tế TP HCM vào cuộc rà soát kiểm tra các cơ sở có thông tin thực hiện phương pháp hỏa trị liệu, gồm: Spa Đông y Hoa Sen Trắng (phường Bình An, quận 2); Hỏa trị liệu Sài Gòn (phường 7, quận Tân Bình); Hỏa trị liệu Sài Gòn (phường 13, quận Tân Bình). Tuy nhiên, thanh tra không ghi nhận hoạt động hỏa trị liệu tại các cơ sở trên.
Theo Sở Y tế TP HCM, đến nay chưa có cơ sở nào tại TP được cấp phép thực hiện phương pháp hỏa trị liệu. Hiện chỉ có Viện Y dược học dân tộc TP HCM được Bộ Y tế cho phép nhưng cũng trong quá trình thí điểm, chuyển giao chuyên môn từ Bệnh viện Châm cứu trung ương. Xác nhận vấn đề này, TS-BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP HCM, khẳng định viện mới chỉ đề xuất xin phép Sở Y tế cho làm thí điểm trên 200 người bệnh, nếu thành công sẽ báo cáo kết quả để sở duyệt danh mục, cấp phép cho phương pháp hỏa trị liệu. Sau đó, đến đầu năm 2019 mới triển khai.
Thực hư đốt lửa cứu người
Theo các chuyên gia y học cổ truyền, thực ra hỏa trị liệu thuộc phương pháp trị bệnh y học cổ truyền. Phương pháp này có từ lâu đời, được một số nước phương Đông áp dụng. Tuy nhiên, nếu không có kỹ thuật chuyên môn thì có thể gây phản tác dụng, tổn hại cho cơ thể, bỏng người. Tại Việt Nam, hỏa trị liệu cũng được ghi nhận sử dụng từ thời các danh y Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông nhưng bị rơi vào quên lãng. Để tránh bị thất truyền, năm 2017, Bệnh viện Châm cứu trung ương đã nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn lâm sàng được Bộ Y tế chuẩn hóa quy trình sử dụng trong cơ sở khám chữa bệnh. Tuy nhiên, khi đang trong quá trình chuyển giao chuyên môn, chưa được cấp phép thì gần đây lại được các spa, cơ sở chăm sóc sắc đẹp "đi trước", tung quảng cáo để lôi kéo khách hàng.
Giải thích về chuyên môn, TS-BS Nguyễn Tuyết Mai, Trưởng đơn vị Hỏa trị liệu Bệnh viện Châm cứu trung ương, cho rằng hỏa trị liệu còn gọi là hỏa long cứu, một phương pháp cứu chữa của y học cổ truyền thông qua việc dùng lửa đốt trên cơ thể con người, có tác dụng cường tráng chân nguyên, điều hòa âm dương, ôn thông khí huyết…
Nguyên lý của hỏa trị liệu là dùng phương pháp tác động nhiệt lên da: Cứu, đốt lửa, đắp, dán, xông hơi tinh dầu, day ấn huyệt… có tác dụng khu phong, tán hàn, trừ thấp, điều hòa khí huyết, ôn thông kinh lạc, tăng quá trình trao đổi chất. Hỏa trị liệu có tác dụng hỗ trợ và điều trị một số chứng bệnh như đau lưng, đau vai gáy, viêm mũi dị ứng, viêm đại tràng mạn tính, viêm khớp gối… Với ưu điểm đơn giản, thuận tiện, chi phí thấp, hiệu quả cao nên hỏa trị liệu được các quốc gia phương Đông như Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar áp dụng từ xưa đến nay.
Dù vậy, bác sĩ Trương Thị Ngọc Lan khuyến cáo người thực hiện không đúng kỹ thuật chuyên môn gây ra những nguy cơ cao như có thể gây bỏng, gây cháy nổ. Người bệnh có thể bị mất nước và điện giải, kích ứng da hoặc dị ứng với tinh dầu. "Nguy hiểm hơn, hỏa trị liệu không đúng cách có thể gây ra hỏa kiếp, hỏa nghịch, bệnh nhân bốc hỏa, trụy tim mạch" - bác sĩ Lan cảnh báo.
Những người không thể hỏa trị liệu
Các chuyên gia lưu ý những đối tượng tuyệt đối không được dùng hỏa trị liệu là phụ nữ có thai, phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt, bệnh nhân tinh thần không ổn định, bệnh nhân tâm thần. Những người mắc các bệnh lý về tim mạch, tăng huyết áp, các bệnh lý nặng về thận, các bệnh truyền nhiễm, bệnh ngoài da, bệnh nhân ung thư cũng không thể thực hiện biện pháp hỏa trị liệu.
Nguồn: Nguyễn Thanh - (nld.com.vn)
T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)