Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ quan sát lăng quăng trong dụng cụ chứa nước ở nhà dân tại phường An Khánh, quận Ninh Kiều.
Ða số trẻ lớn bị SXH
Tại Khoa SXH, gần đây trẻ lớn (từ 8-15 tuổi) nhập viện vì SXH cao hơn trẻ nhỏ. Nguyên nhân có thể trẻ nhỏ, gia đình quản lý, chăm sóc kỹ hơn, ít có nguy cơ bị muỗi cắn gây bệnh SXH. Chị Nguyễn Thị Trang Nhung, ở khu vực 1, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, có con 10 tuổi bị SXH, kể: “Cháu bị sốt, đau bụng, ói, bác sĩ tư chẩn đoán cháu bị rối loạn tiêu hóa, điều trị 2 ngày. Mỗi lần uống thuốc, cháu giảm sốt, hết thuốc, sốt lại và sốt cao hơn. Đêm ngày bệnh thứ 2, cháu đột ngột sốt cao 41 độ, gia đình đưa vô BVNĐ CT cấp cứu, xét nghiệm máu, bác sĩ thông báo cháu bị SXH. Nơi gia đình ở ít muỗi nên không ngờ cháu bị SXH”.
Con chị Lưu Thị Kim Hương, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, bị nhức đầu, sốt, ho. Gia đình đưa đi khám ở bác sĩ tư, chẩn đoán cháu bị viêm họng. Sau 4 ngày điều trị tư, cháu sốt nhiều hơn. Gia đình đưa vô BV huyện, xét nghiệm, cháu bị SXH. Cháu mê man, nói sảng, đơ cổ, gia đình sợ nên xin chuyển lên BVNĐ CT. Cháu bị SXH nặng, sau năm 5 ngày điều trị, cháu bớt nhiều và được chuyển từ phòng bệnh nặng sang phòng bệnh nhẹ.
Theo các bác sĩ trực tiếp điều trị, công tác tuyên truyền về SXH khá tốt nên kiến thức về bệnh của người dân cao hơn. Phần lớn trẻ nhập viện, điều trị sớm. Trước đây khi trẻ sốt, nhiều phụ huynh gây áp lực với các bác sĩ “xin” nhập viện, trong khi cháu chỉ bị sốt siêu vi hoặc SXH nhẹ, có thể theo dõi tại nhà.
Ðiều trị thành công ca bệnh nặng
Hiện nay, Khoa SXH được giao 60 giường bệnh nhưng thực kê hơn 90 giường. Hiện khoa đang điều trị SXH cho 84 bệnh nhi. Trong đó, 60% lượng bệnh ở TP Cần Thơ, còn lại là đến từ các tỉnh trong vùng ĐBSCL. Lượng bệnh nhi cần nhập viện, theo dõi tích cực, truyền dịch cao hơn các năm trước. Lượng bệnh do các BV tỉnh chuyển về phần lớn bệnh nhi bị sốc,… Qua nhiều năm điều trị SXH, cộng với sự hỗ trợ, chỉ đạo chuyên môn từ BVNĐ 1, TP Hồ Chí Minh, được UBND TP Cần Thơ đầu tư, trang bị các thiết bị hiện đại, BV cũng chuẩn bị đầy đủ cơ số giường bệnh, thuốc, dịch truyền… Từ đó, các bác sĩ ở BVNĐ CT đã điều trị thành công nhiều ca SXH nặng. Từ năm 2016 đến nay, tất cả các ca SXH nặng đều được điều trị thành công, không có ca bệnh tử vong.
Theo bác sĩ Bùi Hùng Việt, một năm 2 lần, BVNĐ CT tổ chức tập huấn cập nhật điều trị SXH cho các thầy thuốc trong BV và các BV lân cận. BV cũng cử bác sĩ tham gia các khóa tập huấn do BVNĐ 1 tổ chức. Trung tâm Y tế dự phòng thành phố (nay là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật) cũng phối hợp với BVNĐ CT tổ chức lớp tập huấn cho các bác sĩ cập nhật kiến thức về chẩn đoán, điều trị SXH ở tuyến quận, huyện.
Theo bác sĩ chuyên khoa, không phải tất cả trẻ bị SXH đều phải nhập viện, trẻ bị SXH thông thường có thể được điều trị tại nhà, tái khám theo lịch hẹn. Tuy nhiên, khi trẻ bị sốt cao, mệt, lừ đừ, nôn ói nhiều, tiểu ít… gia đình cần đưa trẻ đến BV có chuyên khoa nhi ngay. Bác sĩ Bùi Hùng Việt cũng khuyến cáo với trẻ có các bệnh nền như: sanh non, bệnh tim bẩm sinh, béo phì, sơ sinh, nhũ nhi… cần được nhập viện để theo dõi điều trị.
Hiện chưa có thuốc và vắc - xin điều trị bệnh, nên để hạn chế mắc SXH, các chuyên gia cho rằng, việc phòng bệnh là biện pháp tối ưu nhất. Cách phòng, bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng và phòng, chống muỗi đốt.
Theo bác sĩ Bùi Hùng Việt, Trưởng Khoa SXH, BVNĐ CT, gần đây, trẻ bị SXH nhập viện tăng nhẹ so với các tháng trước. Trong đó, số trẻ bị SXH nhập viện tăng chủ yếu đến từ các tỉnh trong khu vực ĐBSCL. Tại Cần Thơ, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, tính đến 4-12-2018, toàn thành phố có 978 ca SXH, giảm 162 ca. Trong đó 7/9 quận, huyện có số mắc SXH giảm so với cùng kỳ 2017, 2/9 quận, huyện có số mắc SXH tăng là quận Ô Môn (172 ca, tăng 63 ca), Thốt Nốt (124 ca, tăng 36 ca).