Để tìm hiểu, các chuyên gia tại Đại học Stanford (Mỹ) tập trung vào 3 loại tế bào não hỗ trợ tế bào thần kinh trong chất trắng. Đó là oligodendrocyte tạo ra myelin, lớp phủ bảo vệ tế bào thần kinh và duy trì sự kết nối tín hiệu giữa các tế bào não; astrocyte đóng vai trò đảm bảo tế bào thần kinh hoạt động trơn tru và nhận đủ dinh dưỡng; microglia phụ trách chức năng miễn dịch của não.
Thí nghiệm trên chuột, nhóm nghiên cứu nhận thấy trong não của những con được hóa trị, tế bào oligodendrocyte không bao giờ trưởng thành, nên không thể sản xuất đủ myelin để bảo vệ các tế bào thần kinh. Kết quả là, chúng di chuyển chậm hơn và khó nhớ lại các yếu tố xung quanh vốn từng quen thuộc. Ngay cả khi được tiêm thêm tế bào sẽ trở thành oligondendrocyte từ chuột khỏe mạnh, các tế bào trong não chuột vẫn không phát triển được, cho thấy môi trường não đã bị đầu độc.
Mặt khác, hóa trị dường như cũng tăng cường tế bào miễn dịch của não, khi microglia được hoạt hóa liên tục trong ít nhất 6 tháng sau trị liệu. Chúng không chỉ chống lại sự nhiễm trùng hoặc mầm bệnh, mà còn “phòng thủ” với cả yếu tố khác, như dinh dưỡng. Tình trạng này cản trở hoạt động của astrocyte và các tế bào thần kinh khó nhận đủ dinh dưỡng, khiến tình trạng rối loạn nhận thức thêm trầm trọng.
Đáng chú ý, các nhà nghiên cứu cho biết họ có thể sử dụng một loại thuốc ức chế microglia để khôi phục sự cân bằng giữa chúng với tế bào astrocyte, từ đó đảo ngược tác động của hóa trị đối với chức năng nhận thức. “Chúng tôi thực sự hy vọng có thể can thiệp, tái tạo và ngăn ngừa tổn thương trong não do hóa trị” - Tiến sĩ Michelle Monje, một nhà thần kinh học và là trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.