Người cho máu lấy tiền được chi trả như thế nào?

Thứ tư, 19 Tháng 12 2018 14:03 (GMT+7)
Theo quy định mới nhất của Bộ Y tế, một người cho máu lấy tiền sẽ được hỗ trợ tối đa số tiền 430.000 đồng đối một đơn vị máu có thể tích 450 ml.

Ngày 19-12, Tiến sĩ-bác sĩ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, cho biết thông tư sửa đổi, bổ sungThông tư số 05/2017/TT-BYT ngày 14-4-2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định giá tối đa và chi phí phục vụ cho việc xác định giá một đơn vị máu toàn phần và chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn chính thức được áp dụng.

Người cho máu lấy tiền được chi trả như thế nào? - Ảnh 1.

Hoạt động hiến máu - Ảnh minh họa

Theo quy định này, mức chi bình quân tối đa đối với ăn uống tại chỗ cho người hiến máu (cả người hiến máu tình nguyện không lấy tiền và người hiến máu lấy tiền): 30.000 đồng/người/lần hiến máu. 

Cùng đó, thông tư sửa đổi cũng quy định số tiền chi trực tiếp cho người hiến máu toàn phần, cụ thể: một đơn vị máu có thể tích 250 ml: 195.000 đồng; một đơn vị máu có thể tích 350 ml: 320.000 đồng; một đơn vị máu có thể tích 450 ml: 430.000 đồng. Số tiền chi trực tiếp cho người hiến gạn tách các thành phần máu là 400.000 đồng với một đơn vị chế phẩm có thể tích từ 250 đến 400 ml; 600.000 đồng cho một đơn vị chế phẩm có thể tích từ trên 400 đến 500 ml: 600.000 đồng; và 700.000 đồng cho một đơn vị chế phẩm có thể tích từ trên 500 đến 650 ml: 700.000 đồng.

Theo bác sĩ Khánh, với người hiến máu tình nguyện không lấy tiền có thể lựa chọn nhận quà tặng bằng hiện vật hoặc bằng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có giá trị tối thiểu là 100.000 đồng đối với một đơn vị máu thể tích 250 ml: 100.000 đồng; 150.000 đồng cho một đơn vị máu thể tích 350 ml: 150.000 đồng; và 180.000 đồng cho một đơn vị máu thể tích 450 ml: 180.000 đồng. Cùng đó người hiến tình nguyện gạn tách các thành phần máu có thể lựa chọn nhận quà tặng bằng hiện vật hoặc bằng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có giá trị tối thiểu tương đương từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng, tuỳ thể tích chế phẩm máu. Chi hỗ trợ chi phí đi lại đối với người hiến máu tình nguyện: Mức chi bình quân tối đa là 50.000 đồng/người/lần hiến máu.

Bác sĩ Khánh cho biết trước đây những người hiến máu tình nguyện thường nhận quà tặng là gấu bông, USB hay một số vật dụng khác thì từ ngày 1-11- 2018 vừa qua Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương lựa chọn sử dụng gói xét nghiệm quà tặng cho người hiến máu tại các điểm hiến máu. "Chỉ một lần hiến máu, ngoài các thông tin về nhóm máu và kết quả sàng lọc các bệnh lây truyền qua đường máu, người hiến máu có thể biết thêm những thông tin hữu ích về sức khoẻ như: Số lượng các thành phần tế bào máu, chức năng gan, thận, chẩn đoán sớm và kiểm soát nguy cơ các bệnh tim mạch, tiểu đường, các bệnh về máu, tầm soát ung thư... Người hiến có thể thực hiện xét nghiệm máu ngay tại lần hiến máu tình nguyện hoặc nhận giấy hẹn để thực hiện trong một dịp khác. Sau hơn 1 tháng triển khai đã có hơn 2.000 người hiến máu lựa chọn nhận gói xét nghiệm, chiếm 6% những người tự nguyện đến hiến máu tại Viện"- bác sĩ Khánh chia sẻ.

TP HCM đang thiếu máu điều trị

Theo thống kê của Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương tính đến ngày 17-12 lượng máu dự trữ của Viện là 7.400 đơn vị máu trong đó nhóm O chỉ có 2.550 đơn vị (chiếm 34%). Dù có nhiều hoạt động hiến máu nhưng theo dự kiến từ nay đến tháng 2-2019, Viện dự kiến thiếu khoảng 15.000 đơn vị máu để phục vụ cho nhu cầu cấp cứu và điều trị tại các cơ sở y tế. Hiện chỉ tính riêng Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức, số lượng máu Viện cung cấp đã chiếm khoảng 60% tổng số lượng máu cung cấp cho các cơ sở điều trị.

Tình trạng khan hiếm máu cũng xảy ra tại TP HCM, trong đó Bệnh viện Truyền máu – Huyết học TP HCM đang thiếu hụt khoảng 13.000 đơn vị máu để đáp ứng nhu cầu điều trị cho hơn 100 bệnh viện tại thành phố.

Nguồn: N.Dung - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe