Sáng 23-12, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho hay nơi đây vừa tiếp nhận xử trí một trường hợp hiếm gặp bị ký sinh trùng sán nhái chui lên não. Bệnh nhân là ông N.N.A. (52 tuổi, ngụ Lâm Đồng). Ông A. đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược trong tình trạng đau đầu, yếu nửa người kèm co giật. Sau khi được chụp cộng hưởng từ sọ não, các bác sĩ chẩn đoán có tổn thương choáng chỗ vùng vỏ não vận động, nghi ngờ có thể do u hoặc nang ký sinh trùng trong não.
Các bác sĩ đang phẫu thuật sọ não cho ông A.
Ca phẫu thuật sau đó được tiến hành, các bác sĩ đã gắp ra trong não ông một loại ký sinh trùng dài khoảng 7 cm. Sau điều trị tích cực, ông A. không còn đau đầu, co giật, sức khỏe hồi phục. Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy loại ký sinh trùng chui lên não ông là sán nhái (tên khoa học Spirometra erinaceieuropaei).
Theo TS-BS Nguyễn Minh Anh, Trưởng Khoa Ngoại Thần kinh Bệnh viện Đại học Y Dược (người trực tiếp phẫu thuật), khó khăn lớn nhất trong ca phẫu thuật này là vị trí mổ nằm ở vùng vỏ não vận động do ký sinh trùng khu trú, nguy cơ liệt nửa người không hồi phục. Tuy vậy, ca mổ thành công, các bác sĩ đã xử trí chuẩn xác, giảm thiểu đáng kể nguy cơ trên.
“Thủ phạm" được phát hiện và gắp ra trong não bệnh nhân
"Sán nhái thường ký sinh ở mắt người, rất hiếm khi có ở não. Người dân có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng này khi ăn thịt ếch, nhái, gà, vịt, chim không nấu chín kỹ. Trường hợp ông A. nếu để tình trạng kéo dài không điều trị có nguy cơ nhiễm trùng, xuất huyết não, liệt nửa người không hồi phục và thậm chí tử vong", BS Minh Anh khuyến cáo.