Khi có bệnh, bà bầu đừng ngại điều trị

Thứ hai, 24 Tháng 12 2018 09:17 (GMT+7)
Sợ thuốc men ảnh hưởng đến con, nhiều thai phụ thậm chí không dám uống thuốc khi có bệnh nhưng theo các bác sĩ, điều này có khi còn nguy hiểm hơn

Mang thai được gần 8 tháng, chị N.T.T.P (30 tuổi; ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) đã suýt gặp nguy trong một cơn sốt cao đến hơn 39 độ C do siêu vi. Chị chỉ được đưa đi cấp cứu khi cha mẹ chồng về nhà và người cha nhất quyết đưa con dâu đi bệnh viện (BV) dù chị nài nỉ được… ở nhà, sợ bác sĩ (BS) cho thuốc mạnh, hại con!

Mẹ nguy, con cũng nguy!

Đến hiện tại, khi con được 3 tháng tuổi, chị P. vẫn ám ảnh vì chuyện đó. "Vị BS ở BV gần nhà khi truyền thuốc cho tôi đã khá cứng rắn, nói rằng sốt cao quá có thể nguy hiểm tính mạng, "cô mà có chuyện gì thì con cô liệu có ổn được không", tôi mới giật mình. Giờ nghĩ lại thấy mình dại" - chị thừa nhận. Rất may dù bị sốt siêu vi nhưng thai đã khá lớn nên em bé không hề bị ảnh hưởng gì.

Khi có bệnh, bà bầu đừng ngại điều trị - Ảnh 1.

Khám cho thai phụ tại Bệnh viện Hùng Vương (TP HCM) Ảnh: HOÀNG TRIỀU

BS Nguyễn Ngọc Thông, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, cảnh báo rằng việc thai phụ không dám trị bệnh chỉ bất lợi thêm cho cả mẹ và con, bởi các triệu chứng khó chịu mà căn bệnh gây ra, tùy loại bệnh, có thể ảnh hưởng đến thai và quá trình nuôi dưỡng thai nhi.

Theo các BS, tình hình sẽ còn nguy hiểm hơn nếu vì sợ mà bà bầu tìm đến các phương án họ cho là "nhẹ nhàng" như thực phẩm chức năng, thảo dược... mà không thông qua BS. Chính những thứ này có thể tác hại đến thai nhi, nếu như họ không may dùng phải loại không nên dùng cho thai phụ, vì mọi loại dược phẩm đều có loại an toàn cho thai, loại không; chứ không riêng gì thuốc tây.

Bệnh nhẹ cũng phải đến bác sĩ

BS chuyên khoa II Lê Anh Phương, nguyên Trưởng Khoa Sản BV Nhân dân Gia Định, lưu ý rằng hệ thống miễn dịch của phụ nữ sẽ bị suy giảm hơn khi bắt đầu mang thai. Do vậy, trong những tháng đầu thai kỳ, người mang thai thường rất dễ bị nhiễm trùng, ho, cảm lạnh hoặc cúm... Thế nên, việc dùng thuốc men, chữa bệnh trong thai kỳ rất cần sự lựa chọn cẩn trọng. Thai phụ nhất thiết phải đi BS, cho dù bệnh không nặng cũng không được tự ý mua thuốc. BS sẽ xem tình trạng bệnh của người mẹ như thế nào cũng như khả năng bệnh của mẹ ảnh hưởng đến thai nhi ra sao để kê đơn thuốc hoặc có những biện pháp cụ thể.

"Đừng bao giờ nghĩ rằng cứ uống thuốc là có hại cho thai nhi, vì khi thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết, BS sẽ kê đơn những loại thuốc đã được nghiên cứu, chứng minh là bảo đảm an toàn cho cho thai nhi và sức khỏe của mẹ" - BS Phương nhấn mạnh. Theo bà, chính việc không dùng thuốc mới là nguy hiểm cho con. Bệnh kéo dài sẽ ảnh hưởng đến thai nhi càng nhiều, thậm chí gây sẩy thai.

BS Nguyễn Ngọc Thông khuyên các thai phụ mang thai còn nhỏ, chưa rõ bụng đừng bao giờ quên báo với BS (khi khám) rằng mình đang mang thai, tuổi thai là bao nhiêu và hiện có vấn đề gì về tình trạng thai mà mẹ cần lưu ý không. Ngược lại, với những người sẵn có bệnh lý nội khoa cần điều trị lâu dài, như đái tháo đường, cao huyết áp…cần thông báo với BS điều trị của mình về kế hoạch mang thai sắp tới để được chỉ định những thay đổi cần thiết trong đơn thuốc, cách điều trị, lựa chọn thời điểm có thai khi bệnh ổn định để giảm thiểu những rủi ro cho mẹ và con.

"Đáng lo nhất là nhóm bệnh do nhiễm siêu vi, vì bệnh có nguy cơ cao ảnh hưởng đến thai dù được điều trị, nhất là khi thai còn nhỏ. Vì vậy, ngay từ khi vợ chồng có kế hoạch sinh con, hãy đi đến các cơ sở y tế để khám sức khỏe, xem mình có vấn đề gì cần giải quyết trước khi mang thai không. Cần chích ngừa các căn bệnh có rủi ro cao dẫn đến dị tật hoặc nguy hiểm khác cho thai nhi. Nên đến trước vài tháng so với kế hoạch mang thai vì một số vắc-xin sẽ kèm yêu cầu tránh thai thêm vài tháng sau khi chích" - BS Thông khuyến cáo. 

Giữ sức khỏe lúc thời tiết thay đổi

BS Lê Anh Phương lưu ý thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi như hiện nay dễ ảnh hưởng đến sức đề kháng của thai phụ, khiến họ có nguy cơ nhiễm một số bệnh đường hô hấp. Trong khi đó, 3 tháng đầu thai kỳ là thời điểm rất cần giữ sức khỏe tốt, đề phòng cảm lạnh và các bệnh khác. Do vậy, những người đang mang thai, nhất là thai còn nhỏ, nên cố gắng ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường thêm rau xanh, trái cây - nhất là nhóm trái cây giàu vitamin C, uống đủ nước, nghỉ ngơi hợp lý để phục hồi năng lượng, bảo đảm sức đề kháng. Nên tránh tiếp xúc với người đang bị cảm cúm, tránh chỗ đông người khi đang có dịch bệnh.

Nguồn: ANH THƯ - TRỊNH THIỆP - (nld.com.vn)
 
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe