Gần 97% phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV
Chị N.T. H., khu vực 5, phường An Thới, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ đến trạm y tế chích ngừa uốn ván, cho biết: “Tôi đi khám thai ở phòng mạch tư, bác sĩ tư vấn đến trạm y tế chích ngừa. Khi đến đây, cán bộ trạm tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện miễn phí, nếu chẳng may nhiễm thì mình điều trị sớm, để tránh sinh con bị nhiễm HIV. Thấy có lợi cho mẹ và con nên tôi làm luôn”.
Lấy máu xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai tại Trạm Y tế phường An Thới, quận Bình Thủy. Ảnh: ĐOÀN LÝ
Theo tính toán của các chuyên gia, nếu phụ nữ mang thai nhiễm HIV không điều trị ARV, tỷ lệ sinh con nhiễm HIV từ 25-40%. Trong đó, 25% trong giai đoạn mang thai, 50% trong thời kỳ chuyển dạ và 25% sau sinh. Nếu được điều trị ARV sớm và tuân thủ điều trị tốt, tỷ lệ trẻ sinh ra bị nhiễm HIV giảm còn dưới 2%.
Báo cáo của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ phụ nữ mang thai được tư vấn xét nghiệm HIV chiếm gần 97%. Qua xét nghiệm, phát hiện 21 phụ nữ mang thai nhiễm HIV mới và 45 phụ nữ nhiễm HIV đang điều trị ARV mang thai. Sau đó, các cơ sở y tế đã điều trị ARV cho 63 người. Đến nay đã có 45 trẻ ra đời từ bà mẹ nhiễm HIV, trong đó 41 trẻ được điều trị dự phòng. Các cháu còn lại chưa đến phòng khám nhi để xét nghiệm, điều trị dự phòng do sinh non, mất dấu, ngoài tỉnh... Điều đáng mừng là 29 cháu xét nghiệm HIV, kết quả đều âm tính. Thạc sĩ Phạm Thị Cầm Giang, Trưởng khoa Điều trị, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ cho biết, chương trình PLTMC rất nhân văn. Với hiệu quả của việc điều trị PLTMC, người nhiễm HIV có thể sinh ra những đứa con không nhiễm HIV. Đó là niềm hạnh phúc không gì đo đếm được.
Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Thu Huyền, cán bộ dự án Hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam (VAAC - US.CDC) cho biết: Qua đánh giá điều trị PLTMC ở 20 tỉnh, thành phố, trong 9 tháng đầu năm 2018, Cần Thơ nằm trong 11 tỉnh, thành phố không có trẻ bị nhiễm HIV sinh ra từ mẹ nhiễm HIV. Ngoài ra, tỷ lệ phụ nữ mang thai được tư vấn và xét nghiệm HIV ở Cần Thơ cũng khá cao. Vừa qua, hội nghị 32 tỉnh, thành khu vực phía Nam tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, theo Vụ Sức khỏe sinh sản – Bộ Y tế, tỷ lệ phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV ở toàn quốc chỉ đạt 46%.
Tải lượng vi-rút càng thấp, nguy cơ lây cho con càng giảm
Theo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ, điều trị PLTMC còn một số tồn tại như: trong 66 phụ nữ mang thai nhiễm HIV, có 14 trường hợp phát hiện nhiễm HIV trong giai đoạn chuyển dạ. Nguyên nhân do cán bộ phụ trách chương trình PLTMC tại các xã, phường thay đổi; người khám thai ở phòng khám tư nhân và không được trạm y tế quản lý thai. Công tác tư vấn trả kết quả cho phụ nữ mang thai tại một số khoa sản của bệnh viện chưa thực hiện chặt chẽ dẫn đến việc không điều trị kịp thời cho mẹ và bé. Công tác tư vấn chuyển gửi người nhiễm HIV đi điều trị ARV tại một số huyện còn hạn chế, dẫn đến phụ nữ mang thai không được điều trị sớm. Một số gia đình không chịu đưa trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV đến phòng khám ngoại trú nhi dù đã được tư vấn nhiều lần. Giải pháp là trung tâm sẽ tập huấn cho các cán bộ mới, phối hợp với các phòng khám sản khoa tư nhân tư vấn và hướng dẫn thai phụ đến trạm y tế để xét nghiệm HIV.
Vừa qua, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ phối hợp Dự án VAAC - US.CDC cập nhật hướng dẫn điều trị PLTMC mới theo Quyết định 6250/QĐ-BYT. Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Thu Huyền cho biết, khác với trước đây, điều trị PLTMC bắt đầu khi tuổi thai được 28 tuần, CD4 < 250, nhưng hiện nay, việc điều trị ARV cho thai phụ được chỉ định ngay khi phát hiện tình trạng nhiễm HIV với những phác đồ tối ưu.
Theo cập nhật mới, tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe sinh sản, với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chưa có thai, không biết mình có nhiễm HIV không cần tư vấn xét nghiệm HIV. Nếu kết quả nhiễm HIV, tư vấn nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con, phòng tránh thai nếu không muốn có thai, lợi ích điều trị ARV, thời điểm có thai tối ưu, chuyển người nhiễm đến cơ sở điều trị ARV.
Nếu phụ nữ đến cơ sở chăm sóc sức khỏe sinh sản khi họ đã mang thai, chưa biết tình trạng nhiễm HIV thì tư vấn xét nghiệm. Nếu nhiễm HIV thì tư vấn và điều trị ARV càng sớm càng tốt. Nếu phát hiện nhiễm HIV ở giai đoạn chuyển dạ, cơ sở sản khoa điều trị, can thiệp ngay bằng ARV, tư vấn lựa chọn phương pháp nuôi con an toàn. Đối với con, điều trị dự phòng, xét nghiệm PCR: nếu kết quả âm tính, theo dõi 9 – 12 tháng; nếu PCR dương tính, điều trị suốt đời.
Ngày 1-12-2017, Bộ Y tế ký ban hành Quyết định 5418/QĐ-BYT về việc ban hành “Hướng dẫn điều trị và chăm sóc HIV/AIDS”. Mục đích điều trị ARV là giảm tải lượng vi-rút xuống dưới ngưỡng ức chế, tốt nhất là dưới ngưỡng phát hiện, chậm nhất vào quý 3 của thai kỳ, đặc biệt là khi chuyển dạ. Theo đó, khi chuyển dạ, nếu tải lượng HIV càng thấp thì nguy cơ lây cho con càng giảm. Cụ thể: Tải lượng HIV < 50 cps/ml, tỷ lệ lây cho con là 0,25%; tải lượng HIV từ 50 – 1.000 cps/ml, tỷ lệ lây là 2% và tải lượng HIV > 1.000cps/ml, tỷ lệ lây là 8,5%.
Từ những căn cứ trên, theo Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Thu Huyền, nếu người nhiễm HIV muốn có thai, thì đây là quyền của họ, cán bộ y tế cần tư vấn người nhiễm HIV thời điểm mang thai.