Ảnh: Daily Mail
Để đi đến kết luận trên, các chuyên gia tại Đại học Warwick đã tìm hiểu nhịp sinh học tự nhiên (tức “đồng hồ sinh học”) của 102 phụ nữ từ 23-45 tuổi dựa vào thời gian ngủ và thức của họ, sau đó theo dõi kết quả thụ thai bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Trong 3 năm, có 54% chị em đậu thai nhưng khả năng mang thai thành công ở nhóm phụ nữ “ngủ nướng” chỉ khoảng 1/3, trong khi tỷ lệ này ở nhóm phụ nữ dậy sớm lên tới 3/4.
Theo nhóm nghiên cứu, sở dĩ phụ nữ dậy sớm có cơ hội mang thai cao hơn là vì họ có xu hướng khỏe mạnh hơn, tập thể dục nhiều hơn, ăn uống tốt hơn và ít bệnh hơn. “Nhìn chung, nhóm dậy sớm thường có lối sống lành mạnh hơn nhóm ngủ nướng. Họ ít có khả năng hút thuốc, thừa cân và mắc bệnh tiểu đường và tim mạch - những yếu tố gây khó thụ thai”- Trưởng nhóm nghiên cứu, Giáo sư Geraldine Hartshorne, nói thêm.
Cũng liên quan đến vấn đề sức khỏe sinh sản, một nghiên cứu của Đại học Hoàng đế Luân Đôn (Anh) cho thấy chất lượng tinh trùng kém có thể là một nguyên nhân khiến phụ nữ bị sẩy thai tái diễn (ít nhất 3 lần trước tuần thai thứ 20).
Cụ thể, khi so sánh tinh trùng của 50 người đàn ông có vợ bị sẩy thai nhiều lần với tinh trùng của 60 người đàn ông khỏe mạnh khác, các chuyên gia phát hiện “tinh binh” của nhóm 1 có mức độ tổn thương cấu trúc ADN gấp đôi nhóm 2. Ngoài ra, tinh trùng của nhóm 1 còn có lượng các gốc tự do có ôxy (ROS) cao gấp 4 lần. Được biết, ROS là các phân tử giúp bảo vệ tinh trùng khỏi vi khuẩn và nhiễm trùng, nhưng có thể gây hại nếu tích tụ ở mức độ cao.
Lâu nay, nhiễm trùng hoặc các vấn đề miễn dịch ở người mẹ thường được coi là nguyên nhân gây ra sẩy thai tái diễn.