Cán bộ y tế lấy máu gót chân tầm soát bệnh cho trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ.
Đầu tháng 12-2018, bác sĩ CKII Nguyễn Hữu Dự, Giám đốc BV Phụ sản TP Cần Thơ làm Trưởng Đoàn giám sát của Trung tâm sàng lọc - Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, đến BV Sản nhi Cà Mau giám sát chất lượng sàng lọc trước sinh và sơ sinh của tỉnh, đồng thời, ký kết hợp đồng thực hiện xã hội hóa sàng lọc trước sinh với đơn vị. Bác sĩ Nguyễn Hữu Dự ghi nhận và đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của tỉnh Cà Mau về kết quả công tác sàng lọc của đơn vị đạt được năm 2018. Đồng thời, lưu ý đơn vị cần ưu tiên đầu tư các dịch vụ chẩn đoán, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, nhằm tạo bước đột phá trong các hoạt động nâng cao chất lượng dân số.
Bác sĩ CKII Lương Kim Phượng, Giám đốc Trung tâm Sàng lọc - Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh BV Phụ sản TP Cần Thơ cho biết, Trung tâm đảm nhiệm vai trò phụ trách địa bàn thực hiện Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh từ năm 2015, định kỳ hàng năm thực hiện hai đợt giám sát vào thời điểm quý I và quý IV, nhằm đánh giá chất lượng sàng lọc thực hiện tại 12 tỉnh trong vùng. Theo đó, trong đợt I, Đoàn giám sát triển khai công tác thực hiện chỉ tiêu Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình phân bổ, đánh giá, đảm bảo thực hiện đúng các quy trình về lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển mẫu sàng lọc sơ sinh. Qua đó, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc, đưa ra những hướng giải quyết giúp địa phương tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ sàng lọc, đảm bảo chất lượng, giúp người dân các tỉnh trong vùng được thụ hưởng tối đa chính sách của Nhà nước. Đợt II, Đoàn giám sát của Trung tâm thực hiện giám sát lại tại các tỉnh mà trong đợt I còn nhiều vướng mắc, nhằm đánh giá lại những khó khăn, kịp thời hỗ trợ địa phương.
Bên cạnh hoạt động giám sát, hỗ trợ các tỉnh thực hiện Đề án, Trung tâm Sàng lọc – Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh BV Phụ sản TP Cần Thơ còn mở nhiều lớp đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ y tế tham gia chương trình sàng lọc – Chẩn đoán các tật, bệnh bẩm sinh. Đến nay, chương trình tầm soát các tật, bệnh bẩm sinh của các tỉnh trong vùng đã tạo nhiều tác động tích cực, góp phần nâng cao ý thức, chuyển đổi hành vi của cộng đồng. Năm 2018, Trung tâm đẩy mạnh xã hội hóa công tác sàng lọc tại các địa phương. Hiện có 10 tỉnh/12 tỉnh tham gia Đề án đã thực hiện hợp đồng sàng lọc xã hội hóa, với 66 đơn vị thực hiện, góp phần mở rộng được đối tượng tham gia sàng lọc.
Theo Giám đốc Trung tâm Sàng lọc - Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh Lương Kim Phượng, hiện nay, một số tỉnh tham gia Đề án nâng cao chất lượng dân số đã làm rất tốt công tác tuyên truyền, tư vấn và lấy mẫu sàng lọc sơ sinh như Cà Mau (đạt tỷ lệ 100%), Bạc Liêu (97,7%), Đồng Tháp (92%)… Đa số các tỉnh có cơ sở vật chất tốt, đảm bảo công tác lấy mẫu và vận chuyển mẫu. Đối với sàng lọc trước sinh, đòi hỏi nhân lực và các thiết bị hiện đại trong khi phần lớn các tỉnh chưa có điều kiện triển khai tại địa phương, phải gửi mẫu về Trung tâm để thực hiện và sau đó trả kết quả về địa phương.
Năm 2018, kết quả sàng lọc trước sinh tại các tỉnh, có hơn 7.200 trường hợp được sàng lọc các bệnh dị tật ống thần kinh, phát hiện hơn 400 trường hợp nguy cơ cao. Tại Trung tâm sàng lọc – Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh của BV Phụ sản TP Cần Thơ, có hơn 27.500 thai phụ được sàng lọc trước sinh bằng nhiều phương pháp hiện đại, phát hiện nhiều trường hợp dị tật, kịp thời tư vấn, can thiệp điều trị, tùy theo mức độ dị tật.
Về sàng lọc sơ sinh, thực hiện tại các tỉnh trong vùng, năm qua có gần 28.000 trẻ được sàng lọc các tật, bệnh thường gặp, phát hiện gần 400 trường hợp nguy cơ cao. Hoạt động sàng lọc sơ sinh xã hội hóa tại Trung tâm có tổng số hơn 11.500 trường hợp để tầm soát các bệnh thường gặp gồm bệnh G6DP, bệnh tăng sản tuyến thượng thận và bệnh suy giáp bẩm sinh. Trung tâm còn thực hiện sàng lọc cho số lượng lớn các trẻ sơ sinh mắc một số bệnh lý khác, trong đó có tim bẩm sinh và khiếm thính bẩm sinh,… Dự kiến đầu năm 2019, Trung tâm Sàng lọc – Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh sẽ tiếp tục triển khai nhiều kỹ thuật cao, góp phần nâng cao chất lượng sàng lọc.