Tại hội nghị tổng kết ngành y tế mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết năm 2018, có khoảng 40.000 người Việt ra nước ngoài chữa bệnh với số tiền tiêu tốn khoảng 2 tỉ USD khi y học của chúng ta không thua kém.
Ra nước ngoài cho yên tâm!
Anh Nguyễn H. T. (45 tuổi, ở Hà Nội) chia sẻ dù có người nhà làm việc ở một bệnh viện (BV) có tiếng ở TP Hà Nội nhưng khi phải phẫu thuật thay khớp gối với chi phí 1,8 tỉ đồng, anh đã chọn một BV ở Singapore. "Tuy không chê chất lượng dịch vụ y tế ở Việt Nam nhưng tôi muốn được điều trị ở một cơ sở có chất lượng và được chăm sóc toàn diện, người nhà chỉ vào chơi chứ không phải chăm sóc người bệnh. Chỉ một cái bấm chuông gọi bác sĩ ngoài giờ có thể mất tiền triệu nhưng việc chi trả này tôi cảm thấy thoải mái" - anh T. cho biết.
Bác sĩ Bệnh viện Nội tiết trung ương chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật tuyến giáp cho bác sĩ người nước ngoài
Theo tìm hiểu của phóng viên, những nơi mà nhiều người Việt lựa chọn để đi chữa bệnh là Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản... với nhóm bệnh như: ung thư, tim mạch, cơ xương khớp, ghép tạng, điều trị chấn thương thể thao, phẫu thuật thẩm mỹ.
Nhìn nhận thực tế này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng những người có tiền vẫn có tâm lý là ra nước ngoài chữa bệnh cho "yên tâm" do cơ sở y tế trong nước mới chỉ tập trung chữa bệnh mà chưa có đủ điều kiện chăm sóc toàn diện bệnh nhân. Trước thực trạng này, Bộ Y tế đặt mục tiêu thay đổi về phân bổ ngân sách và đầu tư để giữ chân những người bệnh giàu có điều trị trong nước, đồng thời thu hút nửa triệu người nước ngoài làm việc tại Việt Nam sử dụng dịch vụ y tế trong nước.
Người nước ngoài đổ về Việt Nam chữa bệnh
PGS-TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc BV Nội tiết trung ương, nhìn nhận vấn đề lớn mà BV Việt Nam chưa làm được là tổ chức khám chữa bệnh một cách thuận lợi và nhanh chóng cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, việc chăm sóc toàn diện cho họ cũng chưa tốt, phụ thuộc vào người nhà bệnh nhân dẫn đến tình trạng gia đình có người ốm, sinh hoạt của cả nhà bị đảo lộn. Tuy nhiên, theo PGS Lương, trong khi "làn sóng" người Việt khá giả đang đổ xô ra nước ngoài chữa bệnh thì rất nhiều người nước ngoài lại tìm đến dịch vụ y tế ở Việt Nam. "Tại BV Nội tiết trung ương thường xuyên có những bác sĩ ở các nước tới đây tìm hiểu những kỹ thuật mới mà nước họ chưa có. BV cũng thường xuyên tiếp nhận nhiều bệnh nhân người nước ngoài và Việt kiều đến khám chữa bệnh" - PGS Lương nói.
Đầu tháng 1-2019, một kỹ sư người Nhật đang làm việc và sinh sống ở Việt Nam được bác sĩ Bệnh viện K trung ương chẩn đoán mắc ung thư trực tràng giai đoạn tiến triển. Các bác sĩ đã hỏi ý kiến của bệnh nhân về việc lựa chọn cơ sở điều trị ở Nhật hoặc Việt Nam. Sau khi bàn bạc với người thân, bệnh nhân chọn chữa trị tại BV K. Ca phẫu thuật phức tạp đã thành công. Lãnh đạo nhiều BV tuyến trung ương cũng cho biết thời gian qua các BV này đã khám và điều trị cho nhiều người nước ngoài.
PGS-TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc BV Da liễu trung ương, cho hay hầu như tuần nào BV cũng tiếp nhận bệnh nhân là người nước ngoài đến khám bệnh ngoài da hoặc chăm sóc da, làm đẹp. "Mục tiêu của BV là mở các phòng khám dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chăm sóc sức khỏe và làm đẹp an toàn. Thậm chí, chúng tôi sẵn sàng mời các chuyên gia, bác sĩ người nước ngoài có thương hiệu để phục vụ bệnh nhân nếu có "đơn đặt hàng" - PGS Thường nói.
Theo thống kê từ Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, số lượt khám bệnh cho người nước ngoài qua các năm có xu hướng tăng cao. Năm 2018, cả nước có hơn 300.000 người nước ngoài đến khám bệnh và 57.000 người điều trị nội trú. Những dịch vụ kỹ thuật được họ sử dụng nhiều là điều trị nha khoa, can thiệp tim mạch, thẩm mỹ, điều trị hiếm muộn, thẩm mỹ, ung thư và một số bệnh ngoại khoa. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định: Thông thường, lượng kiều bào và người nước ngoài đến Việt Nam ăn Tết đồng thời thực hiện các can thiệp thẩm mỹ, nha khoa rất lớn, đặc biệt tại TP HCM. Họ chọn Việt Nam để khám chữa bệnh vì chất lượng tốt, giá rẻ. Tuy nhiên, để thu hút thêm người nước ngoài, các BV cần đầu tư chất lượng dịch vụ tốt hơn.
Đầu tư ít nên chưa thể phục vụ "tận răng"
Theo PGS-TS Trần Ngọc Lương, tuy nhiều BV trong nước đã trang bị máy móc, có kỹ thuật nhưng cơ sở vật chất chật chội, BV quá tải, dịch vụ, thái độ của nhân viên y tế nhiều nơi chưa chuyên nghiệp, phục vụ chưa chu đáo. Đây là điểm yếu khiến nhiều bệnh nhân khá giả trong nước chọn BV ở nước ngoài để chữa trị. Trong khi đó, giá dịch vụ y tế cho người nước ngoài chỉ áp dụng tương tự giá dịch vụ cho người không có bảo hiểm y tế ở Việt Nam. Với giá đó thì chưa thể đầu tư cơ sở hạ tầng tốt để phục vụ "tận răng".