Ngải đắng và quả cây cơm cháy. Theo chuyên gia dinh dưỡng Anh Rick Hay, ngải đắng có đặc tính kháng khuẩn, chống ôxy hóa, chống viêm và giúp tăng cường trí nhớ. Loại thảo mộc này cũng giúp cắt giảm các vấn đề về hô hấp và thường được dùng để trị chứng cảm lạnh và cảm cúm tại nhà. Trong khi đó, quả cơm cháy có tác dụng tăng cường hệ hô hấp, giúp hạ sốt cũng như giúp có một làn da khỏe mạnh. Lâu nay, hoa cơm cháy được dùng như một loại thảo dược để trị chứng da viêm hoặc ngứa và cũng được sử dụng để điều trị chứng phát ban, cháy nắng và trứng cá đỏ.
Các loại thực phẩm đầy màu sắc rất có lợi cho hệ miễn dịch. Ảnh: Daily Mail
Thực phẩm đầy màu sắc. Các loại thực phẩm có màu sắc rực rỡ như quả mọng, rau lá xanh đậm như cải xoăn, cải bó xôi, cải bẹ, bông cải xanh, cà chua, cam, khoai lang, củ dền, dưa hấu, cà tím và nghệ là những loại thực phẩm rất giàu vitamin và khoáng chất quan trọng giúp hệ miễn dịch chống lại tình trạng nhiễm trùng. Ngoài ra, những thực phẩm đầy màu sắc này cũng chứa chất chống ôxy hóa phytonutrient, có thể giúp duy trì chức năng miễn dịch. Nghiên cứu cho thấy phytonutrient cũng có thể góp phần giúp ngăn ngừa bệnh tim, thậm chí là ung thư.
Súp thảo mộc. Súp không chỉ có tác dụng làm ấm cơ thể trong những ngày lạnh mà còn giúp tăng lượng dưỡng chất cho cơ thể. Theo các chuyên gia, nấu súp bằng các loại rau giàu chất dinh dưỡng cũng sẽ làm tăng hàm lượng phytonutrient, từ đó giúp duy trì chức năng miễn dịch của cơ thể. Để tăng cường hệ miễn dịch, bạn nên thêm các loại thảo mộc và gia vị như tỏi, kinh giới, gừng và nghệ vào món súp bởi chúng có đặc tính kháng khuẩn và kháng vi-rút, cũng như sinh nhiệt, qua đó có thể giúp tăng cường quá trình trao đổi chất, lưu thông máu và đốt cháy chất béo. Trong khi kinh giới chứa 2 hợp chất thymol và carvacrol có tác dụng chống vi khuẩn và chống nấm, tỏi chứa đặc tính kháng khuẩn, hỗ trợ sức khỏe miễn dịch, giúp cơ thể tránh xa những cơn cảm lạnh. Một số nghiên cứu thậm chí còn chỉ ra rằng tỏi có thể làm tăng hoạt động của tế bào diệt tự nhiên - những tế bào miễn dịch giúp đối phó và kiểm soát tình trạng nhiễm khuẩn.
Nước ép trái cây hoặc rau củ tươi. Nước ép trái cây và rau củ tươi được cho giúp tăng hàm lượng chất chống ôxy hóa của cơ thể. Các loại thực phẩm đầy màu sắc như củ dền, ớt và rau lá xanh còn giúp cơ thể sản sinh ôxít nitric vốn được chứng minh hỗ trợ sức khỏe tim mạch, có tác dụng tăng cường cung cấp ôxy và chất dinh dưỡng cho cơ bắp, cải thiện khả năng tập luyện, từ đó cải thiện hệ miễn dịch. Ngoài ra, các loại rau lá xanh cũng chứa magiê, giúp tăng cường hệ thần kinh, hệ miễn dịch nhờ đó trở nên khỏe mạnh hơn.
Vitamin A, C và D. Trong khi vitamin A đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì khả năng miễn dịch của cơ thể và là một vi chất dinh dưỡng thiết yếu chống lại nhiễm trùng, bảo vệ màng nhầy, vitamin C vốn có nhiều trong các loại trái cây họ cam quýt gồm bưởi, cam, chanh, quýt, ớt và rau củ như bông cải xanh có tác dụng làm giảm các triệu chứng cảm lạnh. Một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Nutrients kết luận rằng vitamin C vừa có thể ngăn ngừa, vừa điều trị nhiễm trùng đường hô hấp bằng cách tăng cường chức năng tế bào miễn dịch khi được bổ sung ở mức 100-200mg/ngày.
Trong khi đó, một nghiên cứu khác được công bố trên Tạp chí Y khoa Anh (BMJ) cho thấy, bổ sung vitamin D vào chế độ ăn sẽ giúp giảm nguy cơ bị cảm lạnh, cảm cúm và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp nguy hiểm khác như viêm phổi và viêm phế quản. Được biết, vitamin D có nhiều trong lòng đỏ trứng, các loại cá béo như cá thu, cá hồi cũng như ngũ cốc.