Sáng 27-1, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai đang cho biết đang điều trị cho cháu A Băng (27 tháng tuổi, trú tỉnh Kon Tum) do dị vật gây nghẹt đường thở.
Trước đó, cháu A B. được gia đình đưa đến một bệnh viện tại tỉnh Kon Tum cấp cứu rồi tiếp tục chuyển đến Bệnh viện Nhi Gia Lai với chẩn đoán theo dõi dị vật đường thở. Sau 2 ngày, cháu A B. tiếp tục được chuyển đến Khoa Tai-Mũi-Họng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai điều trị.
Hạt dưa rơi vào phế quản khiến cháu A B. ho sặc sụa, người tím tái
Các bác sĩ đã phẫu thuật gắp hạt dưa ra khỏi phế quản của A B. Hiện cháu đã hồi phục sức khỏe, ăn uống được và sẽ xuất viện trong vài ngày tới.
Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Tiến, Khoa Tai-Mũi-Họng, do hạt dưa còn nhỏ, chỉ che lấp một phần đường thở nên A B. vẫn có thể thở được dù khó khăn. Nếu gặp các dị vật to, đường thở bị chúng che lấp thì chỉ sau 3-5 phút, trẻ sẽ tử vong.
Chiếc kim băng được lấy ra khỏi cổ họng cháu N.V.N.K
Cũng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, tối 21-1, các bác sĩ Khoa Tai-Mũi-Họng đã lấy dị vật là chiếc kim băng đã hở đầu nhọn mắc trong cổ họng cháu N.V.N.K. (9 tháng tuổi, trú TP Pleiku, tỉnh Gia Lai).
Trẻ vừa ngậm dị vật vừa nô đùa dễ dẫn tới nguy cơ bị hóc
Theo các bác sĩ Khoa Tai – Mũi – Họng, trẻ dưới 5 tuổi rất dễ bị hóc dị vật. Đặc biệt khi trẻ vừa ngậm dị vật vừa nô đùa thì nguy cơ bị hóc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng. Các dị vật thường gặp là thạch rau câu, hạt mít, hạt chôm chôm… Các bậc phụ huynh cần cẩn trọng khi cho các bé tiếp xúc với những vật như vậy. Nếu trẻ có biểu hiện hóc dị vật, cần phải được sơ cứu và đưa ngay đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.