Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi Đồng 1 vừa liên tiếp phối hợp thực hiện liên tiếp 2 ca phẫu thuật – thủ thuật "2 trong 1" ngoạn mục, cứu sống 2 cháu bé bị khối bướu khổng lồ chèn ép đường thở, đòi hỏi phải tiến hành thủ thuật đặt nội khí quản ngay giữa ca phẫu thuật mổ lấy thai. Sáng 30-1, tức 1 ngày sau khi ca mổ mới nhất được tiến hành, cả mẹ và bé đều đã ổn.
Rất nhiều phẫu thuật viên, nhân viên phòng mổ và các bộ phận có liên quan tham gia cứu 2 mẹ con trong ca mổ ngày 29-1 - ẢNH DO BỆNH VIỆN TỪ DŨ CUNG CẤP
Sản phụ là chị D.T.H, 27 tuổi, đến từ Đắk Nông, sinh con lần đầu. Trước đó, khi khám thai tại địa phương, chị đã biết được con mình có một khối bướu to nơi vùng cổ, có thể dẫn đến kết cục xấu cho cả mẹ và con khi sinh nở. Quyết cứu con, chị khăn gói lên TP HCM, tìm đến Bệnh viện Từ Dũ khi thai 24,5 tuần tuổi.
Kết quả chẩn đoán tiền sản của Bệnh Viện Từ Dũ cho thấy em bé có khối bướu rất to "như bộ râu ông già Noel", ở vị trí nguy hiểm thuộc vùng cổ trước, xâm lấn vùng hầu sau, đẩy lưỡi thè ra ngoài, chèn ép đường thở và cả thực quản. Điều này có nghĩa em bé có nguy cơ bị ngạt và tử vong ngay khoảnh khắc ra đời.
Vì vậy, Bệnh viện Từ Dũ đã quyết định mời Bệnh viện Nhi Đồng 1 hội chẩn và cùng tiến hành ca mổ độc đáo. Sản phụ bước vào cuộc sinh mổ khi thai được 37 tuần 5 ngày. "Chúng tôi tiến hành gây mê sâu cho sản phụ, tận dụng một phần thuốc mê cho em bé để thuận lợi cho thủ thuật trên bé" – Bác sĩ Phan Thanh Bình, Phó trưởng khoa điều hành Khoa Chăm sóc trước sinh, Bệnh viện Từ Dũ, cho biết.
Cháu bé được đưa ra khỏi bụng mẹ an toàn - ẢNH DO BỆNH VIỆN TỪ DŨ CUNG CẤP
Khi ê kíp của Bệnh viện Từ Dũ vừa đưa em bé ló đầu khỏi bụng mẹ và xoay ngửa cháu ra, nhóm bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 1 dẫn đầu bởi bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc, đã nhanh chóng làm thủ thuật đặt nội khí quản, khai thông đường thở để cứu mạng cháu bé. Do chuẩn bị chu đáo, các bác sĩ chỉ mất hơn 2 phút cho thủ thuật này, khi một phần thân của cháu bé vẫn còn nằm trong tử cung của mẹ.
Phần còn lại của ca mổ bắt con cũng diễn ra êm xuôi và người mẹ may mắn mất máu rất ít.Khi ra đời, khối bướu của em bé lên đến 12x12 cm.
Trước đó, vào ngày 21-1, ê kíp phối hợp giữa Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi Đồng 1 này cũng đã mổ thành công ca tương tự cho một sản phụ 30 tuổi ở Phú Yên, cháu bé cũng có bướu tương tự nhưng kích thước nhỏ hơn.
Thủ thuật được dùng trong 2 ca mổ thần kỳ là EXIT (Ex Utero Intrapartum Treatment), áp dụng trong các trường hợp em bé bị tắc nghẽn đường thở do dị tật, khối u, hội chứng tắc nghẽn đường hô hấp trên bẩm sinh... Lý do em bé được để nửa trong, nửa ngoài bụng mẹ là khi đó nhau thai vẫn bám vào tử cung người mẹ, cung cấp đủ oxy và chất dinh dưỡng từ mẹ cho bé trong khi các bác sĩ tiến hành thủ thuật khai thông đường thở. Rủi ro đáng ngại nhất của thủ thuật này là nguy cơ chảy máu tử cung. Trong cả 2 ca, phía Bệnh viện Từ Dũ đã dự trù trước tình huống này, chuẩn bị nguồn máu và các phương pháp cần thiết nên 2 người mẹ đã an toàn "vượt cạn".