Sáng 1-2, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (TP Hà Nội), cho biết năm nào vào thời điểm trước và sau Tết, số lượng bệnh nhân nhập viện cấp cứu liên quan đến rượu bia tăng cao. Hầu như ngày nào trung tâm cũng tiếp nhận 2-3 ca ngộ độc rượu nhập viện.
Cấp cứu một ca ngộ độc rượu
Điển hình, bệnh nhân Đ.V.L. (27 tuổi, ở Bắc Ninh) trong bữa tiệc liên hoan cuối năm vào tối 30-1 đã cùng nhóm người bạn uống 9 chai rượu 500 ml. Ngay sau kết thúc cuộc nhậu, anh L. mệt, nôn nhiều và không biết gì nữa cho đến khi thấy mình tỉnh dậy trong bệnh viện.
Bệnh nhân được đưa vào viện 2 giờ sáng ngày 31-1 trong tình trạng bất tỉnh, lơ mơ không biết gì. Xét nghiệm cho thấy lượng kali /máu, đường/máu của bệnh nhân hạ thấp, rối loạn nhịp tim. Rất may bệnh nhân được đưa vào cấp cứu kịp thời, nếu muộn sẽ có rất nhiều nguy cơ đe dọa tính mạng.
Ngoài ra, một bệnh nhân khác, anh T.M.Đ. (28 tuổi ở Hoàng Mai, Hà Nội) được gia đình đưa vào viện trong tình trạng đau bụng, mệt mỏi, chán ăn. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm tụy cấp do lạm dụng rượu bia trong một thời gian dài với số lượng lớn. Đến sáng 1-2, sau 4 ngày điều trị, bệnh nhân đã qua giai đoạn nguy hiểm nhưng xác định phải đón Tết trong bệnh viện.
Bác sĩ Nguyên cũng cảnh báo tình trạng ngộ độc rượu chứa methanol trước và sau Tết Nguyên đán. Các năm trước, bệnh viện tiếp nhận nhiều ca bệnh nặng đã không qua khỏi. Đa số bệnh nhân uống rượu trắng không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, trôi nổi ngoài thị trường, các nhà sản xuất ham lợi nhuận đã pha cồn công nghiệp vào rượu để bán thu lời.