Niềm hy vọng mới cho bệnh nhân tim ĐBSCL

Thứ ba, 12 Tháng 2 2019 16:33 (GMT+7)
Vừa qua, Khoa Phẫu thuật tim, Bệnh viện (BV) Đa khoa Trung ương Cần Thơ triển khai kỹ thuật phẫu thuật cầu nối chủ-vành. Đây là kỹ thuật điều trị tiên tiến trên thế giới, nay đã được triển khai thường quy tại một cơ sở y tế ở ĐBSCL.

Cứu sống nhiều ca bệnh khó

Trở lại tái khám sau ca phẫu thuật cầu nối chủ-vành. Ông Đặng Văn Lẹt, 59 tuổi, ở xã Tân Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, kể: “Tôi bị lói ngực và lưng, mệt hoài. Hơn một tháng ròng điều trị ở BV địa phương không bớt, tôi tìm đến BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Sau khi khám, chụp mạch vành, bác sĩ nói tôi bị hẹp nặng nhiều nhánh động mạch vành, phải phẫu thuật. Sau ca mổ, tôi rất mừng vì hết mệt, ăn ngủ bình thường”.

Ông Lẹt tái khám sau phẫu thuật. 

Cũng như ông Lẹt, bệnh nhân Phạm Thanh Thủy, 62 tuổi, ở xã Long Phú, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, cũng vừa phẫu thuật cầu nối mạch vành. Bà Thủy bị mệt, khó thở, huyết áp tăng cao. Sau phẫu thuật, bà Thủy vui vẻ cho biết: “Lúc trước nghe mổ tim, tôi sợ lắm, tính về nhà, sống chết tùy trời, con động viên mới dám mổ. Các bác sĩ thiệt là hay quá. Tôi khỏe nhiều rồi”.

Theo Ths.BS Lâm Việt Triều, Trưởng Khoa Phẫu thuật tim, cả hai bệnh nhân Lẹt và Thủy đều bị hẹp nặng ba nhánh động mạch vành. Nguyên nhân bị hẹp động mạch vành do bẩm sinh hoặc do mắc phải (đái tháo đường, cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa, thuốc lá, rượu, bia, chế độ sinh hoạt, ăn uống không hợp lý…). Hai bệnh nhân này đều bị bệnh lý mạch vành mắc phải. Trong đó, bệnh nhân Lẹt có tiền sử hút thuốc lá, cao huyết áp và rối loạn chuyển hóa (tăng mỡ máu); bệnh nhân Thủy bị đái tháo đường, cao huyết áp nhiều năm. Do kiểm soát bệnh không tốt dẫn đến hậu quả hẹp động mạch vành. Khi hẹp động mạch vành sẽ làm cho thiếu máu nuôi dưỡng cơ tim. Nặng hơn không có máu nuôi hoàn toàn gây nhồi máu cơ tim, hoại tử tế bào cơ tim, nguy cơ tử vong rất cao.

Có nhiều phương pháp điều trị hẹp động mạch vành như: nội khoa (là điều trị nền tảng), đặt stent (giá đỡ) động mạch vành; phẫu thuật cầu nối chủ-vành; tăng cường tưới máu cơ tim bằng kỹ thuật Laser; kỹ thuật tế bào gốc... Mục đích của việc điều trị là tái tưới máu cơ tim. Sau khi cân nhắc, các bác sĩ quyết định phẫu thuật cầu nối chủ-vành. Ths.BS Lâm Việt Triều cho biết: “Phẫu thuật là giải pháp tốt nhất cho bệnh nhân vì nếu đặt stent thì phải đặt nhiều stent gây tốn kém chi phí cho bệnh nhân và tiên lượng lâu dài không tốt vì nguy cơ tắc stent. Khi stent bị tắc thì việc điều trị rất phức tạp, nguy cơ rất cao”.

Triển khai phẫu thuật tim cho bệnh nhân nhi

Dự kiến trong quý I-2019, Khoa Phẫu thuật tim sẽ triển khai phẫu thuật tim cho bệnh nhân nhi. Đây là chương trình phối hợp với BV Nhi đồng Cần Thơ (giới thiệu bệnh, lọc bệnh). Chương trình có sự hỗ trợ của ông Huỳnh Uy Dũng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần du lịch Đại Nam (tỉnh Bình Dương). Trước đây, Ths Lâm Việt Triều đã phẫu thuật tim nhi. Ê-kíp hồi sức, gây mê BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ cũng đã được đào tạo về hồi sức, gây mê nhi.

Vật liệu làm cầu nối được lấy từ chính cơ thể của bệnh nhân gồm toàn động mạch ngực trong hai bên và động mạch vị mạc nối bên phải. Điều đặc biệt là tim vẫn hoạt động với sự trợ giúp của máy tuần hoàn ngoài cơ thể. Ca mổ thành công với sự hỗ trợ của PGS.TS Trần Quyết Tiến, Giám đốc Trung tâm tim mạch, Phó Giám Đốc BV Chợ Rẫy, thực hiện theo chương trình chuyển giao kỹ thuật tim nâng cao cho BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Theo hợp đồng, sau một thời gian ngắn, Khoa Phẫu thuật tim sẽ độc lập thực hiện kỹ thuật này.

Tiếp tục “chinh phục” các kỹ thuật mới

Trong 2 năm 2017 và 2018, Khoa Phẫu thuật tim đã phẫu thuật thành công 178 trường hợp. Trong đó, phẫu thuật độc lập là 70 trường hợp. Trong năm 2018, Khoa Phẫu thuật tim đã triển khai: Phẫu thuật tim không ngưng tim; cắt đốt điều trị rung nhĩ bằng sóng cao tần (RFA); phẫu thuật phình động mạch chủ ngực, phẫu thuật mạch vành, tạo hình van hai lá; phẫu thuật thay van tim nhân tạo… Phẫu thuật tim không ngưng tim mang nhiều lợi ích cho bệnh nhân, đó là sau mổ bệnh nhân ít bị suy tim, thời gian nằm hồi sức ngắn, thời gian phục hồi nhanh.

Theo Ths.BS Lâm Việt Triều, trong năm 2019, Khoa Phẫu thuật tim triển khai kỹ thuật ECMO (oxy hóa máu qua màng) để điều trị cho bệnh nhân suy tim cấp do các nguyên nhân: Viêm cơ tim do virus, do nhồi máu cơ tim, sau phẫu thuật tim. ECMO cũng được ứng dụng cho các bệnh nhân bị suy hô hấp nặng (viêm phổi nặng; hội chứng suy hô hấp cấp; thuyên tắc ối trong sản khoa…); triển khai phẫu thuật tim xâm lấn tối thiểu (phẫu thuật tim qua hệ thống nội soi); đặt stent động mạch chủ điều trị bệnh lý phình và bóc tách động mạch chủ. Đặc biệt, theo chỉ đạo của Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại buổi làm việc với BV Đa khoa Trung ương vào cuối năm 2018, BV tham gia vào hệ thống ghép tạng quốc gia. Tức là khi có bệnh nhân muốn hiến tạng hoặc bệnh nhân nơi khác hiến tạng cho bệnh nhân đang điều trị tại BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ, ê-kíp Trung tâm ghép tạng quốc gia (BV Chợ Rẫy) sẽ hỗ trợ BV thực hiện. Khoa Phẫu thuật tim sẽ tham gia triển khai vì việc làm này rất nhân văn và ý nghĩa.

Với sự hình thành trung tâm tim mạch trực thuộc BV, đồng thời liên tục triển khai các kỹ thuật mới, BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ là địa chỉ đáng tin cậy cho bệnh nhân tim mạch khu vực ĐBSCL.

Nguồn: H.Hoa - (baocantho.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe