Thiếu ngủ làm tổn hại chuỗi phân tử ADN

Thứ tư, 13 Tháng 2 2019 16:30 (GMT+7)

Không chỉ kiệt sức, thiếu ngủ có thể dẫn đến nhiều thiệt hại nghiêm trọng đối với sức khỏe. Ảnh: SCMP

Phát hiện mới của Đại học Hồng Công cho thấy thiếu ngủ có thể gây tổn hại cấu trúc phân tử ADN cũng như khả năng của cơ thể khôi phục các tổn thương này, làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh tật liên quan đột biến gien chẳng hạn như ung thư.

Kết luận trên được rút ra sau khi Tiến sĩ Gordon Wong Tin-chun và các đồng sự kiểm tra tác động của tình trạng thiếu ngủ trên 49 bác sĩ khỏe mạnh tại hai bệnh viện địa phương. Ngoài 25 người không bắt buộc trực đêm, phần lớn bác sĩ còn lại mỗi tháng đều có 5 - 6 ca trực từ chiều đến sáng hôm sau. Tất cả họ được yêu cầu lấy mẫu máu xét nghiệm sau 3 ngày ngủ đủ giấc. Đối tượng thiếu ngủ do làm việc qua đêm tiếp tục được lấy mẫu máu vào sáng ngày tiếp theo. Sau phân tích, nhóm nghiên cứu phát hiện tình trạng đứt gãy ADN ở người trực đêm cao hơn 30% so với người làm việc giờ giấc cố định. Thiệt hại này tăng lên 25% sau một đêm không ngủ. Nhóm nghiên cứu còn ghi nhận mức hoạt động thấp hơn của gien liên quan cơ chế sửa chữa ADN ở nhóm bác sĩ thiếu ngủ.

ADN bị hư hại đồng nghĩa thay đổi cấu trúc cơ bản của gien thiết lập sự phát triển của tế bào và chức năng các bộ phận cơ thể. Đột biến này không thể đảo ngược khi các phân tử được sao chép. Tiến sĩ Wong hy vọng nghiên cứu mới giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của giấc ngủ bởi thiếu ngủ không chỉ ảnh hưởng sức khỏe thể chất mà còn về tâm lý và khả năng phán đoán. Theo khuyến cáo, người trưởng thành từ 18 đến 60 tuổi cần ngủ đủ 7 tiếng mỗi đêm.

Nguồn: ĐƯỜNG THẤT - (baocantho.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe