Dịch tả lợn không có khả năng lây sang người khi tiếp xúc, sử dụng sản phẩm - Ảnh: Nguyễn Hải
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 20-2, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết dịch tả lợn không có khả năng lây sang người nên người tiêu dùng không nên lo sợ, tẩy chay sản phẩm thịt lợn.
Ông Phu cho biết dịch tả lợn có tác nhân gây bệnh là virus nhưng khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn. Kể cả khi người phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh sang người.
Tuy nhiên, trước tình hình dịch tả lợn ghi nhận ở trong nước, hiện hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Việt Nam đang phối hợp với các tổ chức quốc tế, các cơ quan liên quan để theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trong và ngoài nước. Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế là Cục Y tế dự phòng sẽ tiếp tục cập nhật kịp thời tình hình.
Trước đó, ngày 19-2, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú Y (Bộ NN-PTNT) cho biết tại Việt Nam đã xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại Hưng Yên và Thái Bình. Ngay sau khi phát hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi, Bộ NN-PTNT, Cục Thú y và địa phương đã vào cuộc chỉ đạo các giải pháp chống dịch như tiêu hủy toàn bộ số lợn của các hộ chăn nuôi; tổng vệ sinh phun thuốc sát trùng liên tục khu vực có hộ dịch; thành lập chốt kiểm dịch, quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn vùng có dịch; tổng rà soát tình hình các đàn lợn trên địa bàn các xã có dịch và các địa phương xung quanh; tổ chức lấy mẫu để xét nghiệm các hộ chăn nuôi lợn xung quanh hộ có dịch và có kết quả âm tính.
Đại diện Cục Thú y cũng khuyến cáo người chăn nuôi không bán chạy lợn bệnh, giết mổ, buôn bán lợn bệnh. Khi phát hiện lợn ốm, lợn chết cần báo cho cơ quan thú y và chính quyền cơ cơ sở để kịp thời xử lý ổ dịch. Nếu không sẽ rất khó kiểm soát dịch bệnh vì hiện chưa có vắc-xin chữa trị, buộc phải tiêu hủy.
Để ngăn ngừa phát tán mầm bệnh ra ngoài môi trường làm lây lan dịch bệnh trên đàn lợn trong nước giới chuyên môn cũng khuyên người tiêu dùng cần lựa chọn những sản phẩm có đủ truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Khi phát hiện lợn bệnh, tuyệt đối không bán chạy lợn bệnh; không giết mổ, không bán chạy lợn bệnh; không vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường vì bệnh này chưa có thuốc đặc trị.
Theo Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), bệnh tả lợn có nguồn gốc từ châu Phi nhưng xâm nhập vào châu Á do việc nhập khẩu thịt, sản phẩm từ lợn nhiễm bệnh xuất phát từ khu vực có dịch. Dịch bệnh từng khiến Trung Quốc phải tiêu hủy hơn 20.000 con lợn và động vật nhiễm bệnh tại nước này, đồng thời dịch bệnh cũng gây quan ngại lớn cho ngành chăn nuôi tại Trung Quốc và các nước trong khu vực.