Hát trên bàn mổ và nắn thẳng chân ếch

Thứ năm, 28 Tháng 2 2019 09:51 (GMT+7)
Một doanh nhân Hà Nội hát Quốc ca trong ca phẫu thuật não hay chàng trai được nắn thẳng "chân ếch" sau 28 năm... là những ca bệnh đặc biệt "cân não" đối với các bác sĩ Việt Nam

Các bác sĩ (BS) Bệnh viện (BV) Đa khoa Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) vừa thực hiện một ca phẫu thuật sọ não rất đặc biệt cho cụ ông 91 tuổi sống tại Phú Thọ.

"Tám" chuyện cùng BS

Ông P.V.Q nhập viện với hình ảnh tụ máu dưới màng cứng bán cấp rộng 2 bán cầu, tổn thương vùng não nên cần phẫu thuật càng sớm càng tốt. Để nắm rõ những phản ứng của người bệnh trong quá trình phẫu thuật, các BS đã gây tê tại chỗ cho bệnh nhân và trò chuyện cho đến khi hoàn thành ca phẫu thuật.

Một trường hợp tương tự cũng xảy ra với một doanh nhân ở Hà Nội. Anh Nguyễn Trung K. (36 tuổi) đã hát Quốc ca khi các BS tiến hành phẫu thuật u não trong ca mổ thức tỉnh đầu tiên ở Việt Nam.

PGS-TS Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc BV Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật thần kinh - cho biết anh K. bị u tế bào thần kinh đệm gây chèn ép vào nhiều vùng chức năng của não; từng được phẫu thuật lấy u bằng phương pháp kinh điển. Tuy nhiên, khối u của bệnh nhân có kích cỡ lớn, nằm sát các vùng chức năng như vận động, ngôn ngữ... nên BS không thể khoét sâu lấy hết u. Vì nếu lấy sạch, nguy cơ bệnh nhân bị liệt, rối loạn ngôn ngữ rất cao. Do đã ấp ủ phương pháp phẫu thuật thức tỉnh từ lâu, BV Việt Đức đã cử nhiều BS đi học tại các nước. Tháng 6-2018, BV mời 2 chuyên gia người Nhật Bản sang xem xét các điều kiện chuyển giao kỹ thuật.

Hát trên bàn mổ và nắn thẳng chân ếch - Ảnh 1.

Hát trên bàn mổ và nắn thẳng chân ếch - Ảnh 2.

Đôi chân của bệnh nhân Nguyễn Mạnh Hùng trước (ảnh trên) và sau khi phẫu thuật Ảnh: ĐÀO NGỌC - NGỌC DUNG

Ca phẫu thuật cho bệnh nhân K. kéo dài suốt 6 giờ. Bệnh nhân có 4 giờ "ngủ" để BS bóc tách các phần khối u ở vùng ít nguy hiểm. Với phần khối u nguy cơ còn lại, BS đánh thức bệnh nhân dậy, chỉ gây tê da đầu, màng não và bệnh nhân tỉnh hoàn toàn trong suốt 2 giờ. "Bệnh nhân được yêu cầu đếm từ 1 đến 10, trả lời các câu hỏi về tên tuổi, gia đình, thực hiện các động tác giơ tay, giơ chân. Khi được đề nghị hát, anh K. hát liên tiếp nhiều bài, trong đó có quốc ca và bài "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" - PGS Hệ chia sẻ.

Theo PGS Hệ, nếu mổ theo phương pháp cũ, gây mê sâu, bệnh nhân ngủ thì BS sẽ khó biết trong quá trình phẫu thuật có đụng chạm vào chức năng nói và chức năng vận động của bệnh nhân hay không. Ca phẫu thuật thành công, các BS lấy ra khối u kích cỡ 6 cm.

Hóa giải giấc mơ của "hoàng tử ếch"

Sinh ra với đôi chân cong queo, vặn vẹo, dị dạng như rễ cây uốn lượn nhiều chiều, chàng trai Nguyễn Mạnh Hùng (Nam Định) được bạn bè đặt biệt danh là "hoàng tử ếch". Hùng di chuyển mà như bơi với 2 tay làm "bánh lái" và đôi chân cong gập như dáng đi của con ếch. Vượt qua mặc cảm, Hùng đã học hết THPT rồi tốt nghiệp loại giỏi ở trường nghề, trở thành một thợ sửa chữa đồ điện.

Gần 30 năm bố mẹ Hùng kiên trì đưa con đi chữa trị khắp nơi, kể cả cầu cứu các chuyên gia nước ngoài nhưng đều nhận lại những cái lắc đầu. Sau những lần ấy, "hoàng tử ếch" chấp nhận từ bỏ giấc mơ có thể đứng thẳng.

Năm 2018, trên đường về nhà, bố con Hùng bị tai nạn. Đôi chân rễ cây của anh bị gãy hở xương chày, xương đùi. Tại Bệnh viện Quân đội 108, các BS hội chẩn và cân nhắc phương pháp cắt cụt chi. Hồ sơ bệnh án chuyển lên, GS-TS Nguyễn Thế Hoàng, Phó Giám đốc BV, giật mình vì chưa từng nhìn thấy một đôi chân nào biến dạng đến như thế.

"Lúc quyết định phẫu thuật, ngay cả gia đình bệnh nhân cũng e ngại. Chúng tôi thuyết phục thử phẫu thuật trước một chân xem có ổn không. Chúng tôi đã tính rất kỹ, lên kế hoạch để chuyển gân, cân bằng tốt để sau này bệnh nhân tập đi lại" - BS Hoàng kể.

Năm giờ sau phẫu thuật, bệnh nhân được về lại khoa với một chân rễ cây nắn thẳng. Thế nhưng, lúc này, các BS phát hiện chân trái ngắn hơn chân phải đến 20 cm. Với khoảng cách chênh lệch quá lớn này, dù chân có được nắn thẳng, Hùng vẫn không thể tự đi lại. Một lần nữa, các BS lại "đau đầu" tính toán phương án chữa trị cho Hùng. Cuối cùng, các BS quyết định sử dụng kỹ thuật kéo dài chi. Sau gần 9 tháng, trải qua 3 lần phẫu thuật, 2 chân bệnh nhân bằng nhau hoàn toàn. Đây là ca kéo dài chân kỷ lục với 21 cm, BV đã thực hiện những kỹ thuật hiện đại nhất hiện nay để kéo dài chân cho bệnh nhân, kết hợp với những ưu điểm của bệnh nhân như trẻ, can xương và khả năng liền xương tốt.

Tái khám cho Hùng mới đây, GS Hoàng cho biết hiện tại, chân bệnh nhân có cảm giác, co duỗi 2 chân tốt. Do can xương còn chưa vững nên bệnh nhân cần được tập hồi phục chức năng bằng cách tập đi lại từ đầu.

Gần 1 tháng nay, Hùng tập đi như một đứa trẻ. Với Hùng, được đứng trên đôi chân là ước mơ, khao khát ấp ủ suốt 28 năm qua. Bất ngờ, sung sướng không thể diễn tả được khi Hùng bắt đầu tự di chuyển bằng thanh chữ U rồi tự chống nạng đi vòng quanh nhà. Bây giờ, sáng nào trước khi đi làm, Hùng cũng dành từ 30-60 phút để tập đi.

Hùng tâm sự: "Em cũng không nghĩ là tập đi khó như vậy. Mới đầu em chỉ chập chững vài bước nhưng nay thì đã được nhiều hơn. Cảm giác tự đi trên đôi chân của mình rất lạ lẫm và không dễ dàng chút nào. Dĩ nhiên em đang cố gắng hết sức. Với em, cái Tết nguyên đán vừa qua vô cùng đáng nhớ khi em không còn phải ngồi xe lăn hay nhờ bố cõng mỗi khi cần di chuyển".

Chuyên gia sửa chữa điện

Hằng ngày, Hùng vẫn tỉ mẩn với công việc là một "chuyên gia" sửa chữa điện - điện tử cho cả xã. Có những lúc mải làm việc quên cả tập đi thì bố Hùng lại nhắc nhở con trai.

"Con trai tôi được như ngày hôm nay, gia đình tôi rất biết ơn GS Hoàng. Tôi không ngờ có ngày được nhìn thấy con trai đi trên đôi chân của mình khi mà suốt mấy chục năm qua, vợ chồng tôi không biết bao lần tuyệt vọng trước những cái lắc đầu ái ngại của bao người" - ông Nguyễn Văn Sinh, bố bệnh nhân Hùng, nói.

Nguồn: Ngọc Dung - Hải Anh - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe